Cả nước hướng về TP Hồ Chí Minh ruột thịt

(PLVN) - Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc thực hiện Chỉ thị 16 với TP Hồ Chí Minh là một quyết định rất khó khăn, nhưng cần thiết và phù hợp với diễn biến tình hình để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và vì sự phát triển lâu dài của thành phố. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch và cả nước cũng dành những gì tốt nhất cho điều đó…
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại TP HCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại TP HCM.

Chiến lược mới trong cách ly, điều trị COVID-19

Tuần qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với Bộ phận thường trực đặc biệt tại TP HCM và các chuyên gia để đánh giá diễn biến đợt dịch thứ 4 cũng như thảo luận về hướng mới trong điều trị, cách ly, xét nghiệm bệnh nhân COVID-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo các chuyên gia đánh giá, biến thể Delta (biến thể Ấn Độ) có khả năng lây lan nhanh và nhiều trong những ngày đầu do việc đào thải mầm bệnh ở nồng độ rất cao. Song so với trước đây, diễn biến bệnh không thay đổi nhiều. Kết quả thống kê khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy gần 70% không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng thường xảy ra sau 7 - 10 ngày từ khi phát hiện dương tính.

Căn cứ diễn biến nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly. Cụ thể, với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30) thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có.

Trường hợp dương tính SARS-CoV-2 mới phát hiện ngoài cộng đồng, tất cả đều chuyển vào cơ sở y tế điều trị như bình thường. Trường hợp nồng độ cao, không có triệu chứng sẽ tuân thủ quy trình ra viện sau 9-10 ngày như trên.

Trường hợp dương tính nhưng nồng độ virus thấp CT>=30, khi chuyển vào cơ sở điều trị sẽ được xét nghiệm ngay lần 2 sau 24 giờ. Như vậy nhanh nhất, sau 2-3 ngày, các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, nồng độ virus thấp có thể xuất viện.

Về thời gian cách ly tập trung, căn cứ thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và trao đổi với các địa phương, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly tập trung xuống 14 ngày với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1.

Các thay đổi trong chiến lược điều trị, cách ly của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 những ngày gần đây liên tục tăng mạnh, gây quá tải cho điều trị và các khu cách ly. Tính riêng đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã có thêm gần 31.000 ca mắc, trong đó TP HCM có 16.573 bệnh nhân.

Con số này được dự đoán tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thành phố cần xây dựng kịch bản 50.000 ca mắc COVID19. Như vậy, với kịch bản này, TP HCM phải có đủ nhân lực, thiết bị y tế, đặc biệt là phương tiện hồi sức cho khoảng 10.000-15.000 bệnh nhân có triệu chứng và diễn biến nặng. TP HCM hiện có 16 máy ECMO, trong đó đã sử dụng 8 máy. Ngoài ra, 178 bệnh nhân nặng phải thở máy. Thực tế, Bệnh viện dã chiến số 6 ở Thủ Thiêm có hơn 100 nhân viên y tế điều trị cho khoảng 2.600 F0. Tại Bệnh viện dã chiến ở Bình Chánh, chỉ có khoảng vài chục nhân viên nhưng phụ trách khoảng 2.000 F0.

Trước đó, thông tin về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã quyết định huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế đến hỗ trợ TP HCM chống dịch. Bộ Y tế sẽ thiết lập 24 đoàn công tác cho TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của TP HCM do lãnh đạo các Vụ/Cục và đơn vị trực thuộc Bộ làm trưởng đoàn để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ TP HCM kiểm soát dịch bệnh. Bộ Y tế đã giao Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phối hợp cùng UBND TP HCM điều hành nhân lực.

Chúng ta có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh

Hiện thành phố đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID19 lớn nhất trong lịch sử, với hơn 800.000 liều được phân bổ từ Bộ Y tế. Đồng thời, thành phố cũng mở chiến dịch xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người dân thành phố nhằm truy tìm F0.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với TP HCM về công tác phòng, chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh TP HCM phải kiên trì thực hiện các giải pháp đúng hướng đang được triển khai; thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ những người gặp khó khăn, nhất là người lao động mất việc, người bán vé số, lượm ve chai, người lang thang, người yếu thế... Thủ tướng đề nghị TP HCM thành lập các trung tâm cứu trợ, các đường dây nóng qua điện thoại, qua mạng internet để tiếp nhận các đề nghị của người dân, tổ chức các xe bán hàng lưu động vào từng ngõ hẻm, những nơi khó khăn về cung ứng hàng hóa để phục vụ kịp thời người dân.

Về tiêm vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý TP HCM rút kinh nghiệm, tổ chức tiêm vaccine an toàn, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm đúng quy trình chống dịch. Cố gắng từ nay đến cuối tháng 7 có ít nhất 2 triệu liều vaccine cho TP HCM, tương đương khoảng 25% tổng số vaccine phòng COVID-19 của cả nước.

Về xét nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh việc xét nghiệm thần tốc nhưng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả. Trong đó quan trọng là xác định được ổ dịch mới để khoanh vùng, dập dịch, giãn cách rộng, phong tỏa hẹp. TP HCM cũng cần chuẩn bị phương án ứng phó cao hơn với dịch bệnh. Đặc biệt không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác như một số nước đã tiêm vaccine nhưng dịch bệnh vẫn bùng phát phức tạp.

Có thể khẳng định, cùng với Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội, TP HCM là một trong những địa bàn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Khó khăn bởi TP HCM là trung tâm giao thương rất lớn, với những đặc điểm kinh tế, xã hội, dân cư… đặc thù và mối liên hệ chặt chẽ về mọi mặt với các địa phương lân cận. Như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc phòng chống dịch tại TP HCM không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Trước đó, phát biểu tại Lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh.

“Tôi đã cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc này vaccine chưa có nhiều, hãy dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì tính toán, thể hiện tình đồng chí, đồng bào nồng nhiệt, ấm cúng, tình cảm “tương thân tương ái” của dân tộc ta. Đó là lý do tại sao những lô vaccine tháng trước đã được tập trung cho công nhân và nhân dân vùng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang. Và mấy hôm nay, vaccine được tập trung chuyển về tiêm cho nhân dân TP HCM và một số tỉnh ở phía Nam”, Thủ tướng bày tỏ. Ngay trong hôm nay, sẽ có 1,5 triệu liều vaccine được chuyển vào TP HCM và một số tỉnh phía Nam.

“Chúng ta sẽ có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an, sức khỏe cho nhân dân và phát triển đất nước. Niềm tin ấy sẽ do hành động của mỗi chúng ta, niềm tin ấy sẽ là của mỗi chúng ta và niềm tin ấy là của đất nước chúng ta, của truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Chúng ta cũng tin tưởng rằng, qua cuộc chiến này, chúng ta sẽ lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn, vững vàng hơn để xây dựng đất nước hùng cường, vững mạnh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nêu rõ.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm