Các bà mẹ tẩy chay Hồ Ngọc Hà có phạm luật?

(PLO) - Scandal mới đây của Hồ Ngọc Hà không đơn thuần chỉ là “sự cố tình ái” của một nghệ sĩ trong showbiz mà là cả một cuộc tẩy chay lớn, có kế hoạch, liên quan đến các thương hiệu và quyền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu hành vi của các bà mẹ có phải “lạm quyền”, thậm chí vi phạm quy định pháp luật?
Các bà mẹ tẩy chay Hồ Ngọc Hà có phạm luật?
Từ chuyện “người thứ ba”
Cuộc tẩy chay bắt nguồn từ vài topic trên webtretho, một diễn đàn nổi tiếng hàng đầu trong nước về bà mẹ và trẻ em. Nguồn tin râm ran từ diễn đàn này hé lộ việc ca sĩ Hồ Ngọc Hà có mối quan hệ ngoài luồng với một đại gia chuyên kinh doanh kim cương. Chưa biết thực hư các nguồn thông tin ra sao, nhưng nó được công chúng theo dõi khá đông. Rất nhiều “mỹ từ” được dành cho Hồ Ngọc Hà, trong đó thường được dùng nhất là “hồ ly tinh phá hoại gia đình người khác”. 
Rồi cũng từ đây, một cuộc tẩy chay nữ ca sĩ trên quy mô lớn đã được kêu gọi. Thậm chí, nhiều trang fanpage với tên gọi “Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà” ra đời và thu hút lượng tham gia đáng kể. Theo lý luận của những bà mẹ đứng đầu phong trào tẩy chay Hồ Ngọc Hà thì lý do mà họ thực hiện chiến dịch này là vì... con cái mình. 
Theo họ, Hồ Ngọc Hà là mẫu người phụ nữ xinh đẹp, quyền lực, thành công... là thần tượng của bộ phận lớn giới trẻ. Nếu họ để yên cho nữ ca sĩ dùng nhan sắc của mình để phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác thì sẽ làm “hỏng cả một thế hệ” khiến các thiếu nữ sẽ lấy tiền làm thước đo cho mọi hành vi. 
Thậm chí, để chiến dịch này được rốt ráo, các bà mẹ nói trên đã dùng quyền của người tiêu dùng, lên tiếng kêu gọi các nhãn hàng chấm dứt hợp đồng quảng cáo hoặc hợp đồng đại diện nhãn hàng của nữ ca sĩ này. Nếu không, họ sẽ kêu gọi tẩy chay tiêu dùng các nhãn hàng nói trên. 
Không biết có phải do ảnh hưởng của cuộc tẩy chay hay tình cờ mà thời gian qua, trên trang quảng cáo của một số thương hiệu mà Hồ Ngọc Hà làm đại diện, hình ảnh nữ ca sĩ đã không còn nữa.
Nên dạy con hơn là trừng phạt lỗi lầm người khác?
Không phải ai cũng đồng tình với hành động nói trên. Khá nhiều tranh luận trái chiều nổ ra, trong đó có những câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý. Liệu hành vi tiết lộ thân thế, mổ xẻ gia cảnh Hồ Ngọc Hà và vị đại gia nói trên, kể cả việc đưa hình ảnh vợ con họ lên mạng có vi phạm pháp luật? 
Đặc biệt, nếu trường hợp Hồ Ngọc Hà “vô tội”, tin đồn chỉ là sự bịa đặt thì hậu quả sẽ ra sao? Nếu những thông tin được truyền nhau là bịa đặt thì họ có cấu thành tội danh gì không? Và người tiêu dùng có thực sự được nhân danh quyền lợi của mình để thực hiện hành vi “tẩy chay” nói trên? 
Trả lời những câu hỏi này, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư  TP.HCM đã đưa ra những phân tích trên cả hai khía cạnh “luật” và “tình”.
Thứ nhất, theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, những người tham gia “chiến dịch” này cần lưu ý đến vấn đề quyền đối với họ, tên của mỗi người. Quyền đối với họ, tên; quyền đối với hình ảnh là quyền nhân thân của một người được pháp luật bảo vệ. Những người “kêu gọi tẩy chay” Hồ Ngọc Hà nếu không xin phép Hồ Ngọc Hà mà sử dụng họ, tên, hình ảnh của Hồ Ngọc Hà hoặc sử dụng họ tên, hình ảnh của người khác mà không xin phép họ là vi phạm pháp luật. 
Điều 25 Bộ luật Dân sự quy định: Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai hoặc bồi thường thiệt hại. Và như vậy, một khi Hồ Ngọc Hà sử dụng quyền của mình thì những cá nhân nói trên có thể bị “phản pháo” là chuyện có thể xảy ra. 
Thứ hai, cần lưu ý, nếu mục đích của những người kêu gọi tẩy chay là nhằm bêu xấu Hồ Ngọc Hà thì hành vi này còn có thể bị khởi tố hình sự với tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.
Về vấn đề tận dụng quyền người tiêu dùng, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp đưa ra phân tích: “Tẩy chay” và “kêu gọi tẩy chay” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định một người có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình, hoàn toàn không có quy định một người được quyền “kêu gọi” người khác “tẩy chay” hàng hóa, dịch vụ. 
“Đó là về pháp luật, còn về khía cạnh cái tình giữa người và người, cá nhân tôi thấy những hành động của các bà mẹ nói trên có phần chưa ổn. Những người kêu gọi “tẩy chay” Hồ Ngọc Hà cho rằng vì con của mình liệu có phải là suy nghĩ tích cực? Làm người không ai không mắc phải lỗi lầm. Tốt nhất nên dạy cho con cách phân biệt đúng, sai hơn là dạy cho con lòng hận thù và sự trừng phạt. 
Nếu con cái chứng kiến “đòn phạt” của mẹ mình với một người đàn bà không quen biết như thế, đứa trẻ đang lớn sẽ nghĩ gì? Và nếu những đứa trẻ lớn lên lầm đường lỡ bước vào một hoàn cảnh như thế, liệu có dám quay đầu, đối mặt với cha mẹ?” - Luật sư Huỳnh Phước Hiệp đặt câu hỏi. 

Đọc thêm