Các biện pháp phòng chống bệnh dại

(PLVN) - Theo thông tin từ  Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại. Đặc biệt, các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại, không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó.
Các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại..
Các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại..

46 người chết vì bệnh dại tính từ đầu năm 2019

Trong những năm gần đây, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Số ca tử vong do dại đã giảm liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017. Tuy nhiên năm 2018, tình hình bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại là 103, tăng hơn so với năm 2017 là 29 ca (39%).

Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị động vật cắn.

Theo chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (50 ca).

Tại Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc Việt Nam - tổ chức ngày 6/8/2019, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi đã mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại, không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó.

Các biện pháp phòng chống bệnh dại

Bệnh dại là bệnh gây ra bởi một loại vi rút, bệnh lây truyền từ các loại động vật sang người. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.

Vi-rút dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú. Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người.

ThS.Bác sĩ Bùi Ngọc An Pha – Giám đốc Y khoa, Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn cho biết: “Bệnh dại không thể cứu được, một khi đã lên cơn dại thì 100% tử vong. May mắn thay, chúng ta có thể chủ động phòng bệnh rất hiệu quả bằng vắc xin. Người dân không nên chủ quan để dẫn tới những cái chết thương tâm. Ví dụ nhiều người bị chó cắn nhưng cứ nghĩ chó nhà nên không tiêm phòng, đến khi lên cơn dại thì quá muộn…”.

Bác sĩ Bùi Ngọc An Pha cũng khuyến cáo: “Nếu bị chó, mèo nhiễm vi rút dại cắn ở mặt, cổ, tay thì có thể phát bệnh dại chỉ sau 10 ngày với tình trạng co cứng, co thắt, co giật, run các cơ, kể cả cơ mặt. Co thắt cơ hô hấp và co thắt thanh quản gây khó thở; bệnh nhân có biểu hiện sùi bọt mép, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Bệnh tiến triển ở thể liệt gây liệt, bắt đầu ở 1 chi hoặc 2 chi dưới rồi lan lên trên. Bệnh tiến triển ở thể cuồng sẽ khiến bệnh nhân bị kích thích quá độ, thậm chí có phản ứng dữ tợn nhưng sau đó suy sụp nhanh, hôn mê và tử vong”.

Theo bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, để phòng chống bệnh, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó mèo, chó ra đường phải đeo rọ mõm. Mỗi người không nên đùa nghịch, trêu chọc chó mèo và cần hướng dẫn trẻ em không nên tự ý lại gần chơi đùa với những chó mèo kể cả nuôi trong nhà hay lạ, nhất là khi con vật có nhiều vết thương trên cơ thể hoặc những con vật sủa, gào kêu, rên rỉ bất thường. 

Ngoài ra, khi bị động vật cắn, cào, liếm (đặc biệt nguy hiểm nếu bị chó cắn ở vùng đầu – mặt – cổ, đầu chi là nơi có nhiều dây thần kinh), để có thể tránh được nguy hiểm đến tính mạng mỗi người cần xử lý đúng cách. Bệnh nhân phải rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Sau đó, tiếp tục rửa kỹ vết thương của bệnh nhân với cồn 70% hoặc cồn iod và ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị vết thương và tiêm vắc xin phòng dại và/ hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, đúng và đủ liều theo phác đồ điều trị.

Những trường hợp người cần phải tiêm đồng thời cả vắc xin dại và huyết thanh kháng dại là khi chó cắn nghi ngờ là chó dại hoặc đang lên cơn dại; có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu; có vết cắn (dù là nhẹ) nhưng ở bộ phận sinh dục và những nơi có nhiều dây thần kinh như đầu, mặt, cổ, đầu chi. Những người chưa tiêm phòng vắc xin uốn ván, cũng cần phải tiêm phòng thêm vắc xin uốn ván tuỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Đặc biệt, khi cơ thể có vết cắn của động vật mỗi người cần tránh sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Bên cạnh đó người bệnh tuyệt đối băng bó, đắp thuốc kín vết thương, không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Theo Cục Y tế dự phòng và Cục Thú y, hiện nay, ở Việt Nam bệnh dại còn xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực và đầu tư nhiều hơn nữa nhằm cải thiện nhận thức cho cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh dại ở người; tăng số điểm tiêm vắc xin và tăng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho đàn chó./.

Đọc thêm