Các Bộ cần xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực tổ chức, cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những định hướng quan trọng được nêu trong văn bản số 2220/TTCP-C.IV của Thanh tra Chính phủ (TTCP) gửi các cơ quan Trung ương và địa phương Thông báo nội dung định hướng cách xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Quy chế phối hợp giữa các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được ban hành tại Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị (Quy chế phối hợp giữa các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 (Văn bản số 3942/VPCP-VI ngày 04/11/2022 của Văn phòng Chính phủ).

Trên cơ sở văn bản nêu trên, TTCP tiếp tục ban hành văn bản số 2220/TTCP-C.IV thông báo nội dung Định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 và đề nghị các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

Cụ thể, đối với TTCP, sẽ xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên;

Người giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong doanh nghiệp của Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện Chủ sở hữu, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của các cơ quan của Đảng theo Quy chế phối hợp giữa các Cơ kiểm soát tài sản, thu nhập được ban hành tại Quyết định số 56- QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị.

Nhiệm vụ trọng tâm của TTCP là xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như: đầu tư xây dựng; tài chính, ngân hàng, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; y tế: quy hoạch, đấu thầu, đấu giá; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; đầu tư công, dịch vụ công cổ phần hóa, thoái vốn, tài cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động huy động vốn, phát hành trái phiếu; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án, vụ việc.

Cũng theo Thông báo của TTCP, đối với Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cần xác minh đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý và kiểm soát của mình.

Trọng tâm của các cơ quan này là xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực, các khâu, các công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực tổ chức, cán bộ, quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch; cấp phép, đấu thầu, đấu giá; tài chính ngân sách, thuế, chứng khoán, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án, vụ việc.

Đối với Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần xác minh tài sản thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm công tác tại các sở, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, UBND cấp huyện, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền kiểm soát của các cơ quan của Đảng theo Quy chế phối hợp giữa các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được ban hành tại Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị.

Trọng tâm của cấp này là xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực, các khâu, các công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực tổ chức, cán bộ, quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch; cấp phép, đấu thầu, đấu giá; tài chính ngân sách, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án, vụ việc.

Còn đối với các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác thuộc Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cũng theo Thông báo của TTCP, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Nghị định 130/2020/NĐ-CP và Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 để chủ động xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 bảo đảm đúng quy định của Luật PCTN, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quy chế phối hợp.

Ngoài ra, cũng theo Thông báo số 2220/TTCP-C.IV của TTCP, các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập xây dựng, phê duyệt, ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023, trước ngày 31/01/2023 và tổ chức thực hiện theo quy định.

Đề nghị Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thông báo Định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 đến Ủy ban kiểm tra quận ủy, huyện ủy, thành ủy, thị ủy trên địa bàn để tổ chức thực hiện.

Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập gửi báo cáo việc thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/5/2023 theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Quy chế phối hợp giữa các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Như Báo PLVN đã thông tin trước đó, căn cứ kết quả bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định (QĐ) số 498/QĐ-TTCP công bố, 30 cá nhân được lựa chọn ngẫu nhiên để tiến hành xác minh lần này có 8 người đang công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 5 người đang công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, 5 người ở Bộ Xây dựng; còn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước mỗi đơn vị có 3 người.

Đọc thêm