Các chương trình giải trí: "Mua vui" được vài "trống canh"?

Một vài năm gần đây, các gameshow mua bản quyền nước ngoài “chạy” trên sóng truyền hình ở Việt Nam ngày càng nhiều. Nhưng dường như, khán giả nhớ tới những vụ “lùm xùm”, “chê bai” nhau của những người chơi, của những vị giám khảo, sự vô bổ, nhạt nhẽo hơn là những gía trị đích thực mà các chương trình đem lại.  Trong khi khán giả nhăn mặt vì “nhai” phải những “hạt sạn” thì nhà sản xuất lại hồ hởi ngồi tính lợi nhuận từ quảng cáo và tin nhắn.

Một vài năm gần đây, các gameshow mua bản quyền nước ngoài “chạy” trên sóng truyền hình ở Việt Nam ngày càng nhiều. Nhưng dường như, khán giả nhớ tới những vụ “lùm xùm”, “chê bai” nhau của những người chơi, của những vị giám khảo, sự vô bổ, nhạt nhẽo hơn là những gía trị đích thực mà các chương trình đem lại.  Trong khi khán giả nhăn mặt vì “nhai” phải những “hạt sạn” thì nhà sản xuất lại hồ hởi ngồi tính lợi nhuận từ quảng cáo và tin nhắn.

Nhiều người cho rằng “Vietnam’s Got Talent - Tìm kiếm tài năng” chưa đáp ứng được   kỳ vọng của khán giả
Nhiều người cho rằng “Vietnam’s Got Talent - Tìm kiếm tài năng” chưa đáp ứng được kỳ vọng của khán giả

Không lắm “sạn” thì lại nhảm nhí

Đặc thù của trò chơi truyền hình là mới lạ, thú vị nhưng trò chơi phải vừa có tính giải trí, vừa đem đến những điều bổ ích để người chơi và khán giả cùng học hỏi, bổ sung kiến thức... Do đó nhu cầu được thưởng thức những gameshow trí tuệ của người xem truyền hình là rất lớn. Tuy nhiên, dường như các nhà tài trợ không “mặn mòi” lắm với các gameshow trí tuệ, điều này gây khó khăn nhiều cho những nhà sản xuất chương trình.

Đó là lý do vì sao các gameshow trí tuệ bị các gameshow giải trí như: “Việt Nam Next Top Model”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “VN’s Got Talent - Tìm kiếm tài năng”... “đè bẹp”. Có một sự khởi đầu khá thuận lợi khi được phát sóng “giờ vàng”, mời được những tên tuổi có “tem mác” trong giới showbiz tham gia, các chương trình đã nhanh chóng được công chúng nói chung và truyền thông nói riêng quan tâm, chào đón. Ngỡ tưởng, hàng triệu khán giả được thưởng thức những chương trình đầy bổ ích, hấp dẫn như các nhà tổ chức hứa hẹn, nhưng rồi bổ chửng vì... “nói vậy nhưng không phải vậy”! Đáng buồn thay, các chương trình thi nhau “xả” ra những “hạt sạn” bực mình.

Nếu như “Cặp đôi hoàn hảo” bị “mất điểm” từ chuyện chất lượng giọng hát giữa các thành viên không phải là ca sĩ của mỗi cặp đôi không đồng đều; đến chuyện tiêu chí chương trình thiên về nghệ thuật hay giải trí, ưu tiên cho giọng hát hay chiêu trò được quy định không rõ ràng - khiến người tham gia lúng túng và không phục; cả chuyện giám khảo cho điểm và nhận xét lúc khó quá, khi dễ quá; cho đến những đồn đoán liên quan đến việc chương trình bị dàn dựng thì “VN’s Got Talent - Tìm kiếm tài năng” lại câu khách bằng scandal tung đoạn “bênh con” của bà mẹ thí sinh cũng như những lời tố cáo bị Ban tổ chức cố tình hạ nhục của gia đình Quỳnh Anh để “mua vui” cho hàng triệu khán giả. Sự việc rất nóng, dư luận và người tố đang cần một câu trả lời thì lúc này, phía đơn vị sản xuất “VN’s Got Talent” lại im lặng. Chưa hết, tài năng thì chưa thấy đâu, người xem chỉ thấy đi vào bán kết quanh đi quẩn lại vài tiết mục hát nhạt nhòa, non nớt.

“VN Next Top Model” lại làm cho khán giả bực mình với việc các thí sinh tranh nhau chỗ ở, ăn uống, sinh hoạt nói năng, kể tội và tranh luận, tị nạnh nhau chuyện nấu ăn, rửa chén bát và dọn dẹp phòng, khóc lóc lảm nhảm... Những việc nhảm nhí này chẳng khác nào “tra tấn” khán giả. Chứng kiến việc nhức đầu ấy, rất nhiều khán giả chán chường và hoài nghi: Phải chăng chính các thí sinh là những người tự trọng chưa cao, không có tinh thần tập thể, muốn nhanh chóng nổi danh nên mới sẵn sàng để ban giám khảo bày đặt trò quay camera rồi trưng lên truyền hình?! Chưa hết, việc đòi kiện 3 thí sinh bồi thường 5 tỷ đồng của nhà sản xuất với tuyên bố hùng hồn “phạt thật nghiêm” rồi xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” khiến cho chương trình ngày càng mất điểm trong mắt khán giả.

Còn “Vietnam Idol” thì chọn cách lồng ghép vào những cảnh lùm xùm ở phía hậu trường khi phát tán đoạn ghi âm chửi bậy của Đức Anh cũng như khai thác lí lịch lạ lẫm của các thí sinh...

“Bước nhảy hoàn vũ” cũng không nằm ngoại lệ tìm mọi cách để câu khách khán giả. Khán giả không chỉ thấy các “sao” phải mướt mồ hôi thi đấu, rồi cũng bị giám khảo khen, chê mà còn được chứng kiến Ban giám khảo cãi nhau kịch liệt. Và mùa giải mới đây, “Bước nhảy hoàn vũ” lại dính vào vụ chuyện Minh Hằng “đạo giọng” ca sĩ đàn chị Lan Anh trong phần trình diễn trích đoạn “The phantom of the opera” cùng với Minh Quân tại đêm mở màn “Bước nhảy hoàn vũ 2012”. BTC chương trình đã chính thức gửi lời xin lỗi tới ca sĩ Lan Anh.

Scandal - dao hai lưỡi?

Thiếu tính nhân văn và càng không chuyên nghiệp trong cách xử lý, đối phó tình huống, các chương trình truyền hình thực tế lớn đang gieo vào lòng khán giả cảm giác như là cái “chợ giời” hơn là cuộc thi đẳng cấp tại truyền hình quốc gia. Để đặt mục tiêu câu khách, họ chấp nhận và thậm chí càng tung hô cho những scandal đến với cuộc thi. Để tăng lượng người xem, họ sẵn sàng thí một vài “con tốt” để làm trò tiêu khiển cho khán giả.

Tuy nhiên, scandal ở thời nay luôn là con dao hai lưỡi. Nó có thể đưa chương trình trở thành một show ăn khách nhất kéo theo những “ngôi sao” trong đó. Nhưng cũng có khả năng vùi dập không thương tiếc bất kỳ ai. Bởi showbiz Việt đang thừa mứa các sản phẩm giải trí vô bổ, nhạt nhẽo. Và, rất nhiều người đang hoài nghi, các chương trình giải trí ấy, liệu mua vui được vài trống canh?

Thùy Dương

Đọc thêm