Các cơ sở liên kết “chui” - khó quản?

(PLO) - Liên thông, liên kết đào tạo giữa các trường luôn là câu chuyện nhạy cảm. Tuy nhiên, hậu quả của việc không kiểm soát được vấn đề này vẫn là người học chịu thiệt.
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Cũng vì quá nhiều các đơn vị liên kết khác nhau liên tục mở ra nên việc không kiểm soát được vấn đề này cũng là điều khó tránh khỏi. Trong hội nghị công tác thanh tra giáo dục toàn quốc, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tập trung vào các vấn đề gây bức xúc dư luận, trong đó nổi bật là liên kết đào tạo để thanh tra toàn diện. 

Ông Bằng cũng cho biết thời gian qua, sau khi thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm như liên kết không phép, liên kết sai đối tượng, không đảm bảo điều kiện chất lượng, thực hiện trách nhiệm liên kết không đúng quy định, có biểu hiện thương mại hóa. Nhiều tỉnh, thành phố mở lớp đào tạo liên kết không đúng đối tượng, địa chỉ và lại càng không có hợp đồng nào với nhà trường. Trong đó, điển hình nhất chính là việc loạn liên kết đào tạo tại các tỉnh: Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An... Tuy các cơ quan chức năng đã xử phạt, thậm chí là cấm các trung tâm đó hoạt động nhưng vấn đề liên kết tại các tỉnh, thành này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. 

Điển hình, năm học 2015-2016, Thanh tra Sở GD-ĐT Gia Lai đã thanh tra và phát hiện Trường Trung cấp Y dược Hà Nam đặt 2 lớp Trung cấp Y và Trung cấp Dược hệ chính quy với 130 học viên tại trường Trung cấp nghề số 21, bắt đầu học từ tháng 9/2014 song không có hồ sơ ký kết hợp đồng liên kết đào tạo nào.

Thanh tra cũng phát hiện Trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa và Trường Trung cấp nghề số 15 - Binh đoàn 15 trong 2 năm 2014, 2015 đã phối hợp tuyển sinh gần 200 học sinh, có nhiều sai phạm về địa điểm đào tạo (đối với lớp y-dược) và không có hợp đồng liên kết đào tạo giữa các trường (đối với lớp mầm non).

Còn tại Nghệ An, kết quả thanh tra từ Sở GD-ĐT về liên kết đào tạo cũng cho thấy nhiều vi phạm. Cụ thể, Thanh tra Sở đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng với Trường Y dược Bắc Ninh và dừng tuyển sinh tại chi nhánh Nghệ An từ tháng 8/2014; xử phạt 5 triệu đồng với trường Trung cấp Việt Anh do vi phạm trong liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng ASEAN (năm 2013); chấm dứt liên kết đào tạo Trung cấp Y dược với Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ tại trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ SaRa (năm 2013)…

Mới đây nhất, Thanh tra Sở này đã phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An đình chỉ việc tổ chức đào tạo 2 lớp Trung cấp sư phạm mầm non của Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội tại thành phố Vinh và Trung tâm Dạy nghề huyện Diễn Châu.

Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hoá Phạm Thị Hằng cho biết: “Hoạt động liên kết đào tạo tuy đã được chấn chỉnh nhưng vẫn còn có các tổ chức, cá nhân phối hợp với các cơ sở đào tạo “chui” khi chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT; đào tạo thạc sỹ không tổ chức tại chính cơ sở đào tạo. Để giải quyết dứt điểm các vi phạm này, Thanh tra Sở đã phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa xử lý vi phạm hành chính 3 đơn vị liên kết đào tạo. Đến nay, không còn đơn vị nào tổ chức liên kết đào tạo sai quy định”.

Một trong những vấn đề khiến cho các chương trình liên kết đào tạo kém chất lượng đó là về đội ngũ giáo viên. Trong khi Bộ GD-ĐT và các trường đều cho rằng giáo viên quá tải với số lượng giờ lên lớp, thiếu cả thời gian nghiên cứu khoa học thì khi mở thêm các chương trình liên kết đào tạo, các trường lại luôn phải ưu tiên bố trí những giáo viên giỏi, có trình độ chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ tham gia giảng dạy cùng đối tác...

Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng một nghị định về hợp tác đầu tư với nước ngoài, trong đó có một chương quy định chi tiết về việc liên kết đào tạo với nước ngoài, đặt ra các yêu cầu về điều kiện liên kết như: đối tác nước ngoài phải là trường được kiểm định hoặc được các cơ quan nước ngoài công nhận, các bên liên kết phải thỏa mãn các điều kiện của Việt Nam về giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất… 

Đọc thêm