Các địa phương sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật

(PLVN) - Qua 11 năm triển khai, cùng với nhiều Bộ, ngành thì các địa phương cũng đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo nhiều cách làm hay để việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội.

Chú trọng truyền thông về Ngày Pháp luật

Bên cạnh các hình thức truyền thống như tổ chức hội nghị, hội thảo, biên soạn tài liệu về Ngày Pháp luật Việt Nam, năm 2023, các địa phương đã chú trọng đến việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử; truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam qua mạng xã hội.

Như tỉnh An Giang đã tuyên truyền, thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật mới, sự kiện pháp lý mà người dân quan tâm thông qua chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”, “Hỏi - Đáp về pháp luật” và định kỳ hàng tháng phát sóng chuyên đề “Câu chuyện pháp luật” trên Đài phát thanh tỉnh. Đặc biệt, giai đoạn cao điểm từ ngày 4/11 - 9/11 hàng năm, Đài phát thanh tăng thời lượng phát sóng về Ngày Pháp luật Việt Nam, tập trung giới thiệu về người tốt, việc tốt, mô hình thực thi pháp luật hiệu quả như: “Lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân”; “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế”, định kỳ tổ chức hội nghị “Đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp, giải đáp vướng mắc pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan”.

Hòa chung không khí sôi nổi hướng đến Ngày Pháp luật, tại trụ sở nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều tuyến đường tại tỉnh Bình Thuận đều treo băng rôn, áp phích, triển khai tuyên truyền trên hệ thống đèn Led về nhiều nội dung, trong đó có nội dung: Tích cực cải cách hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh Bình Thuận tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân (ảnh Báo Bình Thuận).

Đáng chú ý, Sở Tư pháp tỉnh còn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng, thực hiện phóng sự “Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, 9/11” và các chương trình phỏng vấn, tọa đàm tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật phát sóng trên sóng truyền hình thông qua chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống”; phối hợp với các địa phương mở nhiều cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục. Ở các huyện, thị cũng phối hợp với Hội Luật gia tỉnh, Huyện đoàn và các cơ quan có liên quan tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở các xã, phường.

Còn tại TP Cần Thơ mới đây đã tổ chức ra quân cổ động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Trong quá trình diễu hành đã kết hợp tuyên truyền ý nghĩa Ngày Pháp luật, kêu gọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Sau ngày ra quân, các quận, huyện trên địa bàn sẽ tiếp tục cho xe tuyên truyền trên các tuyến đường chính thuộc địa bàn đến ngày 9/11.

Gắn với các hoạt động chuyên môn

Tổ chức lễ phát động, lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng là hình thức được rất nhiều địa phương thực hiện như tỉnh Yên Bái, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Thanh Hóa… Sau buổi lễ, các đại biểu còn tổ chức tuần hành nhằm cổ vũ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và nhân dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật, góp phần tạo chuyển biến mới về chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong tình hình mới.

Ngoài ra, còn nhiều địa phương tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về tuyên truyền pháp luật và tập huấn nghiệp vụ chuyên môn. Trong đó có thể kể đến tỉnh Thanh Hóa với hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Nghĩa vụ Quân sự, công tác đấu tranh phòng ngừa các loại hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng; tập huấn nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở. Tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị tập huấn hỗ trợ các xã thực hiện tốt Tiêu chí về hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên ở cơ sở.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chú trọng gắn kết với công tác truyền thông chính sách, trong đó chú trọng tới các nội dung của Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Cùng với đó là các dự án Luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)... Qua đó góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

Tỉnh Cà Mau tổ chức Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông (ảnh Báo Cà Mau).

Tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị tập huấn công tác pháp chế; tập huấn công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức tuyên truyền Luật An toàn giao thông hưởng, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức Ngày hội “Thanh niên văn hóa giao thông” năm 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”…

Tỉnh Quảng Trị tổ chức hoạt động tuyên truyền hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, Bình đẳng giới năm 2023 tại tất cả các điểm trường trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Sau phần thông qua nội dung phát động, tuyên truyền, các em học sinh tham dự phần vẽ tranh thuyết trình về bình đẳng giới. Từ đó, các em đội viên, nhi đồng đã hiểu hơn về việc chấp hành pháp luật và những quy định của pháp luật Việt Nam về Bình đẳng giới.

Đa dạng các cuộc thi trực tuyến

Một số tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức các cuộc thi, hội thi hưởng ứng Ngày Pháp luật trong quy mô toàn địa bàn như: thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2023 (tỉnh Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu); thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế” (Hà Tĩnh); thi Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Lào Cai); tổ chức phiên tòa giả định hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại trường học cho các em học sinh (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang); “Tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền cải cách hành chính và xây dựng đô thị văn minh”, Hội thi “Công đoàn tham gia cải cách hành chính và xây dựng văn hóa công sở” (Thái Nguyên)…

Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức giao lưu tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ảnh Báo Thái Nguyên).

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên còn tổ chức nhiều hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng sâu, vùng xa; tổ chức đối thoại chính sách với người dân và doanh nghiệp; tổ chức trình diễn văn nghệ, tiểu phẩm pháp luật; phổ biến pháp luật trong nhà trường; tổ chức triển lãm hình ảnh, tài liệu về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức sự kiện truyền thông pháp luật tại cộng đồng, nhóm nòng cốt; tổ chức làm điểm Ngày Pháp luật Việt Nam tại một số đơn vị cấp xã và cấp huyện; thể hiện sự sáng tạo trong khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật, công tác hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tại địa bàn lớn như Hà Nội, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật được tổ chức gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; Tổng kết cuộc thi hòa giải viên giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 và tích cực tham gia cuộc thi hòa giải viên giỏi toàn quốc, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố còn tích cực thông tin, phản ánh, tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…

Luật sư phổ biến pháp luật cho học sinh tại trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh kinhtedothi).

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều mô hình phổ biến pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả như: “Mô hình phổ biến và giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật hỗn hợp” kết hợp lồng ghép hoạt động sân chơi, biểu diễn tiểu phẩm, phiên tòa giả định, trợ giúp pháp lý; “Mô hình huy động Luật gia, Luật sư, người có kiến thức pháp luật tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở”; “Mô hình xây dựng Tổ hòa giải tiêu biểu xuất sắc cấp phường, Tổ hòa giải tiêu biểu xuất sắc cấp quận”; “Mô hình đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật, hội thi Hội thi “Hòa giải viên cơ sở giỏi”, “Tìm hiểu quy định pháp luật về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật” thông qua hình thức thi trực tuyến”… Ngoài ra, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật nhiều quận trên địa bàn đã tổ chức hội nghị tổng kết hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (09/11) gắn với tổng kết 10 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở.

Có thể thấy qua 11 năm triển khai thi hành, Ngày Pháp luật đã trở thành hoạt động chính trị, pháp lý thường niên, sôi nổi, có sức lan tỏa, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý trong đời sống pháp luật. Kết quả đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.

Đọc thêm