Các DN đều đề nghị tiếp tục được xuất khẩu gạo

(PLVN) - Cuộc họp báo cáo về số lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp (DN) do Đoàn liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì vào chiều ngày 26/3 kết thúc khá muộn. Nguồn tin của PLVN cho biết, trong cuộc họp này, các DN đều đề nghị tiếp tục được xuất khẩu (XK) gạo để giải phóng lượng tồn kho. 
Lượng gạo tồn kho trong DN khá lớn.
Lượng gạo tồn kho trong DN khá lớn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng hàng tồn kho của DN thành viên vào khoảng 1,8 triệu tấn trong khi số đơn hàng đã ký kết sẽ XK dần từ nay đến cuối năm vào khoảng 1,5 triệu tấn. 

Chiếu theo quy định lượng hàng tồn kho bằng 5% sản lượng xuất đi trong 6 tháng trước đó thì hiện lượng hàng tồn kho còn lại đang nhiều.  

Trong khi đó, theo nguồn tin này cung cấp, đối chiếu các đơn hàng đã ký với lượng hàng hiện tại, sau khi xuất đi các đơn hàng đã ký, lượng tồn kho còn lại khá nhiều, chưa kể sẽ còn sản lượng gạo vụ Đông Xuân chuẩn bị thu hoạch tới đây (kết thúc vào tháng 4). Ngoài ra, sẽ kết thúc thu hoạch vụ Hè Thu vào tháng 7 hoặc 8 (tùy từng vùng) và tháng 11, 12 lại tiếp tục thu hoạch vụ Thu Đông. 

“Số lượng gạo tồn vẫn vượt số lượng quy định tồn kho dự trữ. Nếu để tồn kho toàn bộ số lượng gạo nói trên sẽ không biết xử lý như thế nào. Chưa kể gạo để lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Thêm vào đó, sẽ có thu hoạch liên tục từ giờ đến cuối năm nên số lượng tồn kho cũng sẽ còn nhiều hơn, sau khi đã XK và tiêu dùng nội địa.

Do đó, tiếp tục cho XK gạo là chuyện nên làm và cần thiết để DN và người nông dân tiếp tục các hoạt động bình thường. Chúng tôi hiểu Chính phủ còn phải lo lắng đến câu chuyện an ninh lương thực, đến điều hành vĩ mô nhưng người nông dân của mình vẫn tiếp tục chuẩn bị cho các vụ mới…”, nguồn tin chia sẻ với PLVN. 

Chia sẻ với PLVN, một thành viên trong Ban Chấp hành VFA khẳng định, tuy lúa gạo còn dư nhiều, có thể tiếp tục XK nhưng vì đây là điều hành vĩ mô nên ông không có ý kiến gì. Vị này cũng cho biết đã báo cáo tất cả số liệu với Đoàn kiểm tra liên ngành. “Việc còn lại là của Bộ Công Thương. Chúng tôi tuân thủ tất cả các quy định của Chính phủ trong điều hành vĩ mô”, vị này khẳng định.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, DN rất mừng vì năm nay trúng mùa và được giá, vì từ lâu Lộc Trời đã muốn nâng cao mặt bằng giá lúa gạo để cải thiện đời sống nông dân. 

Trước quyết định tạm dừng XK gạo, đại diện DN này cho rằng, trong bối cảnh dịch nảy sinh tâm lý người tiêu dùng mua để tích trữ, các thương lái cũng theo đó mà đầu cơ, giá lúa tăng bất thường nên có động thái để đảm bảo nguồn cung và yên dân là rất cần thiết.“Bản thân Lộc Trời cũng đã phải mua ở vùng nguyên liệu theo giá cao vì đầu cơ đã xảy ra nhưng chúng tôi sẽ kiểm soát giá chặt chẽ để không nâng giá gạo nội địa lên cao. Quyết định tạm ngưng XK ảnh hưởng ngay đến giá lúa gạo nhưng những lúc như thế này để yên dân thì DN cần thông cảm với quyết định của Chính phủ” - ông Thòn chia sẻ. 

Nhưng để đảm bảo ổn định bền vững, người nông dân yên tâm sản xuất, DN này đề nghị nên dừng kê khai thuế GTGT để giảm bớt chi phí cho các kênh bán gạo truyền thống (trừ siêu thị) bởi đây là kênh đang chiếm hơn 90% thị trường, là kênh cung ứng gạo cơ bản đến tay người tiêu dùng…

Đọc thêm