Đề nghị của Bộ trưởng Hùng đưa ra tại phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào ngày 22/3.
Điều hành phiên họp là Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cùng dự còn có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng lãnh đạo các Bộ, ngành; các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Ở điều 41, dự thảo Luật qui định về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam trong đó qui định rõ, tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế bao gồm giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam.
Về quy định này, quan điểm của cơ quan thẩm tra là cần xem xét cả 2 phương án (giữ và bỏ qui định tại Điều 41). Tuy nhiên quan điểm của cơ quan soạn thảo là giữ nguyên qui định tại điều này.
Bởi lẽ, việc giữ nguyên quy định sẽ thu hút được các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim, sản xuất phim. Từ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và các dịch vụ liên quan; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh Việt Nam. Qua đó giúp chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài. Cần có chính sách ưu đãi, thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam sử dụng dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị thêm, các đoàn làm phim khi vào Việt Nam cần phải cung cấp kịch bản phim chi tiết. Theo lý giải của Bộ trưởng, nếu chỉ là kịch bản tóm tắt, sẽ không thể hiện được hết nội dung trong đó có thể những vấn đề liên quan đến chính trị, an ninh.
Thực tiễn đối chiếu với qui định của một số nước lân cận như Trung Quốc hay Thái Lan cũng đưa ra yêu cầu đối với các đoàn làm phim nước ngoài là phải đưa ra kịch bản chi tiết để có thể kiểm soát được về nội dung trong đó có thể có vấn đề liên quan đến chính trị, chủ quyền đất nước.
|
Việt Nam khi lên phim quốc tế |
Ngoài ra, chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; các vấn đề sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước; phổ biến phim trên hệ thống truyền hình, trên không gian mạng cũng được đặt ra. Ngoài ra, việc cấp giấy phép phân loại phim; về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; phim tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài; về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng được quan tâm.
Riêng về việc phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.
Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các uỷ viên chuyên trách trước khi hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới.
Trước đó, năm ngoái, khi thảo luật về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, trên nhiều diễn đàn khác nhau, nhiều nhà làm phim đề xuất Chính phủ cần tạo chính sách, hành lang pháp lý đơn giản, thoáng hơn để bạn bè quốc tế vào Việt Nam; trong đó có vấn đề kiểm duyệt kịch bản.
Lý do: Khi chưa nhìn thấy chính sách ưu đãi nào, lại phải trình kịch bản để xét duyệt, các đoàn phim quốc tế hết sức e ngại. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt giữa các hãng phim, các studio lớn, kịch bản là một tài sản vô cùng quan trọng, cần phải bảo mật.
Để chủ động hơn trong vấn đề hợp tác quốc tế, giới làm phim đề xuất chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tức chỉ nên thẩm định và phân loại phim trên bản phim hoàn chỉnh và quy định nhà sản xuất phía Việt Nam phải chịu trách nhiệm về nội dung, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục Việt Nam.