Chiều nay (19/6), Quốc đã biểu quyết thông qua các Luật giáo dục quốc phòng-an ninh (90,36% tán thành); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (91,57% tán thành) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (91,37% tán thành). và Luật phòng, chống thiên tai (91,97% tán thành).
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định, “phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ” nằm trong khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
|
QH khóa XIII, kỳ họp thứ 5 |
Giải trình cụ thể hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc Hội Phùng Quốc Hiển cho biết, thuế suất phổ thông 22% (áp dụng từ 1-1-2014) và thuế suất 20% (áp dụng từ 01/01/2016) “sẽ khiến giảm thu Ngân sách khá lớn, khoảng 22.200 tỷ đồng (năm 2014) và giảm thêm khoảng từ 21.190 - 21.580 tỷ đồng (năm 2016) so với việc áp dụng mức thuế suất 22%”. Tuy nhiên, so với mặt bằng thuế suất của các nước trong khu vực và trên thế giới, hai mức thuế suất phổ thông này là phù hợp, bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Riêng quy định về áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội tại khoản 7 Điều 1 của Luật được thực hiện từ ngày 01/7/2013.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng qui định ngưỡng đăng ký nộp thuế là 1 tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, “mức ngưỡng này được xem xét trên cơ sở khảo sát doanh thu của doanh nghiệp với việc thực hiện chế độ kế toán. Thực tế cho thấy, mức ngưỡng 1 tỷ đồng là hợp lý, góp phần đơn giản hóa cách tính thuế, giảm chi phí hành thu và kê khai nộp thuế cho cơ quan thuế và người nộp thuế”. Đồng thời, giữ nguyên qui định về 25 nhóm hàng hóa không thuộc diện chịu thuế bởi “trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc rà soát thu hẹp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế để chuyển sang chịu thuế sẽ tác động không thuận đến giá cả và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, việc quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh” như giải trình của UBTVQH.
Luật giáo dục quốc phòng – an ninh (có hiệu lực từ 1-1-2014) qui định về việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Tuy một số ý kiến đề nghị bỏ vì vừa chồng chéo vừa không khả thi song UBTVQH cho rằng, cần giữ nguyên vì việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối với đảng viên là rất cần thiết và cũng không chồng chéo, vì nhiều đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng không thuộc đối tượng được bồi dưỡng theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này. Thực tế trong những năm qua, đảng viên ở cơ sở (Đối tượng 5) luôn gương mẫu, tích cực tham gia bồi dưỡng và phát huy tốt vai trò trong công tác tuyền truyền vận động nhân dân, trừ số ít do tuổi cao, sức yếu được chi bộ miễn sinh hoạt.
Trước khi được thông qua, Luật Phòng, chống thiên tai đã được bổ sung quy định về chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai để từng bước tạo lập thêm nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai; giữ nguyên qui định về Quỹ Phòng, chống thiên tai vì thời gian qua cho thấy, Quỹ này đã “bổ sung nguồn lực không nhỏ giúp chính quyền địa phương chủ động hơn trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai hiện nay còn hạn hẹp”- UBTVQH giải trình. Luật này có hiệu lực từ 1-5-2014.
H.Giang