Các hãng lữ hành ngập ngừng đón khách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chuyến đi “mở hàng” từ sau làn sóng dịch COVID-19 thứ tư của các công ty du lịch đưa khách du lịch đến Hà Giang vào trung tuần tháng 10/2021 bị hoãn. Việc có nơi sẵn sàng đón khách, có nơi chưa khiến các doanh nghiệp du lịch bị động, “rối như tơ vò”. Mỗi tỉnh một phách làm khó cho doanh nghiệp thiết kế tour đón khách.
Các hãng lữ hành mong các tỉnh đừng mỗi nơi một phách.
Các hãng lữ hành mong các tỉnh đừng mỗi nơi một phách.

Mỗi tỉnh một phách – lo đứt gãy luồng di chuyển

Hội Lữ hành du lịch Hà Nội và Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen vừa tổ chức hội nghị "Du lịch xanh - xanh" trực tuyến với sự tham gia của các cơ quan quản lý du lịch, cùng các doanh nghiệp, lữ hành du lịch nhằm tìm ra giải pháp khởi động các tour, khôi phục du lịch nội địa. Các địa phương, đơn vị lữ hành tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề: Thị trường du lịch an toàn, tuyến điểm an toàn, chuỗi dịch vụ an toàn, tổ chức điều hành tour an toàn, kiểm soát du lịch an toàn.

Việc tổ chức hoạt động khôi phục du lịch an toàn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là sự phối hợp của nhiều địa phương. Mùa đẹp nhất trong năm tại các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đã đến, nhiều công ty du lịch cả phía Bắc, phía Nam muốn xây dựng tour đưa khách đi ngắm ruộng bậc thang mà “lực bất tòng tâm” vì sợ đứt gãy luồng di chuyển. Để đến được Hà Giang, Điện Biên thì phải qua các tỉnh như Tuyên Quang, Thái Nguyên... Vậy tại các chốt của những tỉnh đó có gặp khó khăn gì không? Vấn đề quét mã code QR thế nào? Sẽ cần giấy xét nghiệm thời gian bao nhiêu, tiêu chí đi qua chốt ra sao?

Việc có nơi sẵn sàng đón khách, có nơi chưa khiến các doanh nghiệp du lịch bị động, rối như tơ vò chưa thể triển khai các chương trình tour do chưa biết kế hoạch của địa phương ra sao. Mỗi tỉnh một phách làm khó cho doanh nghiệp thiết kế tour. Ví như, tại Phú Thọ, khách ngoại tỉnh đến đây ngoài tiêm đủ vắc xin, xét nghiệm PCR âm tính vẫn phải cách ly 7 ngày. Tour 5 ngày mà cách ly tới 7 ngày thì các du khách hết hứng thú đặt tour.

Hà Nội là trung tâm phân phối khách của miền Bắc, nhưng hiện nay nhiều tỉnh vẫn không thừa nhận vùng xanh của Hà Nội, cứ khách Hà Nội đi là phải cách ly tập trung 14 ngày. Nửa tháng “nằm vùng” đủ lý do để khách dặt dè khi đi du lịch nội địa.

Ông Hồ Văn Phú, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Tourisrt tại TP Hồ Chí Minh. một lý do khác nữa khiến doanh nghiệp lo ngại khi tái khởi động du lịch trở lại là yêu cầu test PCR. Quy định hiện hành, test PCR chỉ có giá trị trong 72 tiếng. Tiến hành test phải mất 1 ngày. Như vậy, doanh nghiệp và khách chỉ còn 2 ngày để sử dụng kết quả này. Nếu thời gian đi du lịch dài hơn thì liệu khách có phải test lại không? Nếu test lại thì rất tốn kém. Test 1 lần, giá tour đã đội lên cao hơn so với trước. Chưa kể, các tiêu chí quy định khi nào xét nghiệm PCR, khi nào xét nghiệm bổ sung, khi nào không xét nghiệm chưa rõ, chưa thống nhất như hiện nay thì rất khó cho cả doanh nghiệp lẫn du khách.

Chuyến đi “mở hàng” từ sau làn sóng dịch COVID-19 thứ tư của các công ty du lịch đưa khách du lịch đến Hà Giang vào trung tuần tháng 10/ 2021 bị hoãn. Lý do chính là liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Hà Giang đang tập trung tổ chức đón, xét nghiệm, bố trí các điểm cách ly cho hàng nghìn công dân lao động từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam về địa phương để theo dõi sức khỏe, sàng lọc COVID-19. Điều này cho thấy, việc mở lại hoạt động du lịch không phụ thuộc vào ý chí của những người làm du lịch mà liên quan đến những quy định, diễn biến chống dịch cụ thể.

Nhiều du khách bị lỡ chuyến tour ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín tại Tây Bắc.

Nhiều du khách bị lỡ chuyến tour ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín tại Tây Bắc.

Vẫn loanh quanh chỉ đón khách nội tỉnh

Hiện nay, bộ tiêu chí về du lịch an toàn đã có khung chung nhưng để đi vào cuộc sống, các địa phương thì còn có nhiều khoảng trống. Bắc Giang cũng đã có văn bản chính thức đón khách từ ngày 4/10, không phân biệt khách trong tỉnh hay ngoại tỉnh, miễn là khách đến từ vùng xanh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, test PCR cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, đến địa phương nào thì phải tra bản đồ dịch tễ của địa phương đấy. Khi doanh nghiệp so sánh bản đồ dịch tễ thì phát hiện tiêu chí vùng xanh trên bản đồ dịch tễ của các địa phương không hẳn giống nhau. Hiện tại, bản đồ dịch tễ của Bắc Giang cho thấy, Hà Nội vẫn thuộc vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng. Trong khi đó, theo bản đồ dịch tễ của Hà Nội thì Thủ đô đã có rất nhiều vùng xanh…

Hiện nay, nhiều địa phương cũng là vùng xanh, thậm chí xanh toàn tỉnh nhưng cũng chưa dám quyết định đón khách nội địa trở lại. Một số địa phương dù đã hơn 20 ngày không phát hiện ca F0 trong cộng đồng nhưng chỉ khôi phục du lịch, phục vụ khách nội tỉnh chứ chưa đón khách ngoại tỉnh. Nếu nội tỉnh, các du khách tự túc du lịch chứ không mặn mà book tour của các đơn vị lữ hành.

Ngoài việc di chuyển mỗi tỉnh, một phách, các hãng lữ hành còn lo ngại việc nơi ăn, chốn ở của du khách. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - cho biết việc mở lại Tháp Bà, Hòn Chồng sẽ tạo điểm đến trong giai đoạn Khánh Hòa bắt đầu mở cửa đón khách nội địa có “thẻ xanh”, “thẻ vàng” (từ 16/10 đến 15/11). Thế nhưng, điều đáng nói, các nhà hàng, khách sạn hầu hết vẫn chưa mở cửa. Ông Lê Thắng, chủ nhà hàng quán ăn ngon tại TP Nha Trang tâm sự: “Sở dĩ, các hàng quán vẫn đang thăm dò, chưa mở cửa đón khách bởi các cơ sở dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ cho người có "thẻ xanh COVID-19", "thẻ vàng COVID-19" nhưng phải kèm theo giấy xác nhận âm tính với COVID-19. nên hầu hết không có khách đến ăn”. Đó là chưa kể, các nhà hàng khi mở cửa trở lại phải làm giấy cam kết với phường, test COVID-19 cho toàn bộ nhân viên và nhiều chi phí phòng chống dịch bệnh khác. Du khách tới ăn ít, chi phí lại nhiều, hầu hết các quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn đều “án binh, bất động”.

Ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa xác nhận, hiện nay hầu hết các cơ sở lưu trú, khu du lịch, điểm tham quan ở tỉnh này vẫn đóng cửa. Lượng khách trong tỉnh đi du lịch rất ít, khách trong nước thì chưa có vì đi lại quá khó khăn, số ít khách sạn phục vụ người cách ly, nhưng cũng gặp khó vì lượng người đưa đến khách sạn cách ly không nhiều”. Điều này càng làm khó cho các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách tới.

Tới thời điểm giữa tháng 10, một số hãng lữ hành chưa dám khởi động nếu chưa có được các văn bản rõ ràng về điều kiện an toàn, chưa thống nhất có thẻ xanh hay cơ sở lưu trú, điểm đến, các dịch vụ du lịch khác đã sẵn sàng an toàn để đón khách hay chưa…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm