Xây dựng chuẩn đầu ra phải có hướng mở và toàn diện
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu), Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo các học viện, trường sĩ quan, trường đại học trong Quân đội (BCĐ) cho biết: Toàn quân có 22 trường đã xây dựng chuẩn đầu ra; trong đó, đơn vị xây dựng nhiều nhất là Học viện Kỹ thuật Quân sự với 43 chuẩn đầu ra. Nhiều trường đã thực hiện tốt như Trường Sĩ quan Đặc công; Sĩ quan Tăng thiết giáp; Sĩ quan Phòng hóa; Sĩ quan Pháo binh; Sĩ quan Thông tin; Sĩ quan Lục quân 1; Sĩ quan Lục quân 2; Học viện Khoa học quân sự.
Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo các học viện, trường sĩ quan, trường đại học trong Quân đội thời gian qua được thiết kế hợp lý, cấu trúc, nội dung đúng quy định tại Quyết định 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng. Nội dung cụ thể, rõ ràng, cơ bản đầy đủ theo quy định, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng chuẩn đầu ra.
Theo đó, các nhà trường đã xác định đối tượng đào tạo; tiêu chuẩn theo quy định; phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực đảm nhiệm chức vụ ban đầu và hướng phát triển đến chức vụ cao nhất theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT.
Chuẩn đầu ra về phẩm chất chính trị, đạo đức phù hợp với nghị quyết của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác GD-ĐT trong tình hình mới; thông tư quy định về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo cán bộ QĐND; quy định về tiêu chuẩn chính trị của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong QĐND và các thông tư quy định về tiêu chuẩn chức vụ cán bộ ở các đơn vị.
Đến thời điểm này, Cục Nhà trường đã phối hợp các học viện, nhà trường tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo theo ý kiến nhận xét lần thứ 5 của BCĐ; chỉnh sửa, hoàn thiện xong 204 chuẩn đầu ra chương trình đào tạo.
Xây dựng chuẩn đầu ra là nội dung mới, khó. Vì vậy, phát biểu tại Hội nghị BCĐ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu, các nhà trường tiếp tục tập trung xây dựng chuẩn đầu ra trên cơ sở thống nhất quan điểm, xây dựng chuẩn đầu ra phải có hướng mở và toàn diện, để học viên có cả kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, pháp luật, kinh tế - xã hội...
Trong xây dựng chuẩn đầu ra cần xác định rõ về mục tiêu, nội dung, chương trình để đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ tốt nhiệm vụ Quân đội, đồng thời có thể tham gia vào các nhiệm vụ chính trị, xã hội khác. Đối với mục tiêu về phẩm chất chính trị, phải bám sát các quy định của Quân đội với phương châm xây dựng đủ tiêu chí chứ không lược bỏ.
Về kỹ năng và trình độ chuyên môn phải đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, giúp học viên khi ra trường nắm chắc công tác tổ chức, phương pháp huấn luyện theo phân cấp cho các đối tượng trong đơn vị. Các kỹ năng khác như: Ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học... xây dựng phù hợp với từng đối tượng học viên.
Hoàn thiện tài liệu huấn luyện, giảng dạy
Mới đây, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm (2018 - 2023) thực hiện Chỉ thị 126/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện hệ thống tài liệu huấn luyện, tài liệu dạy học trong Quân đội.
Theo Báo cáo của Cục Khoa học quân sự - Cơ quan Thường trực BCĐ, 5 năm qua, lãnh đạo, chỉ huy, BCĐ về nghiên cứu, biên soạn hoàn thiện hệ thống tài liệu huấn luyện, tài liệu dạy học trong quân đội (BCĐ 126) của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quán triệt và chấp hành nghiêm chỉ thị và quy chế, kế hoạch, hướng dẫn của BCĐ 126 Bộ Quốc phòng, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện hệ thống tài liệu huấn luyện, tài liệu dạy học trong Quân đội.
Đặc biệt, cơ quan thường trực các cấp đã làm tốt chức năng tham mưu giúp BCĐ 126 cấp mình tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, chất lượng các loại tài liệu; huy động được những cán bộ có kinh nghiệm và năng lực đảm nhiệm công tác nghiên cứu, biên soạn.
Quá trình nghiên cứu, biên soạn tài liệu, các cơ quan, đơn vị đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, kế thừa kinh nghiệm, truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; cập nhật kịp thời những thông tin mới, từng bước nâng cao chất lượng của tài liệu. Quy trình quản lý, nghiên cứu, biên soạn được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đạt chất lượng cao…
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Cương yêu cầu BCĐ 126 các cấp tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa hệ thống tài liệu huấn luyện, tài liệu dạy học. Các cơ quan chức năng, đơn vị, học viện, nhà trường phối hợp chặt chẽ để khảo sát, rà soát, xây dựng kế hoạch nghiên cứu, biên soạn bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa hệ thống điều lệnh, điều lệ phù hợp với tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị của Quân đội bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Bên cạnh các nhiệm vụ trên, Thượng tướng Cương lưu ý, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện các loại tài liệu huấn luyện về khoa học xã hội và nhân văn quân sự phù hợp Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Song song với biên soạn, hoàn chỉnh tài liệu huấn luyện, cần chú trọng nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa hệ thống tài liệu dạy học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong tình hình mới. Tiếp tục chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm thống nhất hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học các cấp, bám sát đối tượng, chương trình đào tạo, đáp ứng tốt nhiệm vụ học tập và nghiên cứu của học viên.