(PLO) - Chiều 16/11, tại Đà Nẵng, Đại hội Biển Đông Á lần 5 của Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) với chủ đề “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương- Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015”, chính thức khai mạc.
Đại hội Biển Đông Á lần 5 có khoảng 400 đại biểu quốc tế và 300 đại biểu Việt Nam gồm đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN-MT Việt Nam cùng Bộ trưởng các Bộ liên quan của các nước thành viên PEMSEA, các nhà quản lý, khoa học, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, doanh nghiệp… tham dự.
Theo Bộ TN-MT, Đại hội Biển Đông Á lần 5 là sự kiện quốc tế tầm cỡ, rất quan trọng đối với lĩnh vực biển, hải đảo. Việc đăng cai tổ chức Đại hội nhằm khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, hữu nghị, phát triển trong khu vực biển Đông Á cũng như trên quốc tế.
Việc đánh giá sát thực các kết quả của chương trình được thực hiện trong 22 năm qua cùng sự tụ hội các chuyên gia tiên phong đến từ các vùng biển Đông Á sẽ mang lại sự hợp tác chặt chẽ hơn, các sáng kiến có tầm ảnh hưởng lớn hơn và một cái nhìn khách quan về các bài học kinh nghiệm.
Phát biểu tại Đại hội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, biển và hải đảo có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và giao thương của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Hiện nay Biển Đông Á chiếm khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới lưu thông trên tuyến hàng hải nối với Châu Âu, trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang dần cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội, nhiều quốc gia đang hướng ra biển để tìm kiểm, khai thác các tài nguyên, bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm…
Tuy nhiên, trong những năm qua chúng ta đã khai thác sử dụng quá mức, thậm chí hủy diệt các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái, đã xả thải gây ô nhiễm môi trường biển. Những tác động xấu do hoạt động của con người, nhất là việc xây dựng, cải tạo đảo, đá trên quy mô lớn trái quy luật, trái luật pháp quốc tế đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, môi trường của đại dương thế giới và của Biển Đông Á; ảnh hưởng tới an ninh hàng hải và chủ quyền của mỗi quốc gia, tới cuộc sống của chúng ta.
Do vậy, phòng chống ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển để phục vụ phát triên bền vững không chỉ cần nỗ lực của mỗi quốc gia mà còn cần sự chung tay của nhiều quốc gia, đặc biệt là của các quốc gia ven biển.
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, biển luôn chiếm vị trí rất quan trọng trong tâm thức và văn hóa của dân tộc. Việt Nam có mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 trở thành Quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển; kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu.
Tăng trưởng nhanh của kinh tế vùng ven biển, nhất là các lĩnh vực hàng hải, thủy sản, dầu khí và du lịch biển đã đóng góp rất lớn vào việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng cường phúc lợi, cải thiện điều kiện sống, tạo thêm cơ hội và từng bước đảm bảo công bằng xã hội cho cư dân ven biển và nhân dân Việt Nam.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Đại hội |
“Việt Nam đã tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về xây dựng, nền kinh tế xanh và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác kinh tế biển với các quốc gia, trong đó có các quốc gia biển Đông Á.
Chúng tôi đã đạt nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, ngăn chặn xu thế suy thoái của rừng ngập mặn, khôi phục đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, phát triển khoa học công nghệ biển, bước đầu giảm được xu thế suy thoái rạn san hô và nhiều hệ sinh thái quan trọng khác”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Trong thời gian diễn ra tại Đà Nẵng (từ ngày 16- 21/11), Đại hội Biển Đông Á lần 5 có 3 phiên hội nghị toàn thể, 13 hội thảo quốc tế theo 3 nhóm chủ đề “Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á: Hiệp lực và thành tựu”, “Đẩy mạnh hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” và “Từ tầm nhìn tới thực tế: Gắn kết chương trình nghị sự toàn cầu với lợi ích địa phương” với tổng cộng 9 nội dung.
Bên cạnh đó, Diễn đàn quản lý tổng hợp vùng bờ và Hội thảo thông điệp Việt Nam với chủ đề “Các thực hành tốt và rào cản trong triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ tại Việt Nam và hợp tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển của các biển Đông Á – Lợi ích của chúng ta” do Bộ TN-MT chủ trì.
Đáng chú ý, tại Đại hội Biển Đông Á lần 5 còn có “Diễn đàn Bộ trưởng” với sự tham gia của Bộ trưởng các Bộ liên quan của các quốc gia thành viên do Bộ trưởng Bộ TN-MT Việt Nam chủ trì nhằm đánh giá khu vực về tình hình thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á; giới thiệu về Chiến lược cập nhật phát triển bền vững biển Đông Á và các mục tiêu sau năm 2015; ký kết bản Tuyên bố Đà Nẵng và thông qua một số văn kiện cấp Bộ trưởng về Chiến lược cập nhật phát triển bền vững biển Đông Á và các mục tiêu chiến lược sau năm 2015 trong khu vực.
Nhân dịp này cũng diễn ra “Diễn đàn thanh niên lần 4” (với chủ đề “Xây dựng tương lai chúng ta mong muốn: Huy động những thanh niên tiêu biểu cống hiến cho đại dương sau năm 2015”) và “Diễn đàn mạng lưới chính quyền địa phương” (với chủ đề “Hoạch định Chương trình nghị sự phát triển cho cộng đồng và các TP ven biển sau năm 2015” do UBND TP Đà Nẵng chủ trì) cùng các cuộc triển lãm về môi trường biển và hải đảo; tham quan thực địa, hội nghị về chuẩn bị, ứng phó và bồi thường sự cố tràn dầu, đầu tư và các tác động trong nền kinh tế xanh để bảo tồn.