Các nước ngăn chặn thuốc lá điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh những lo ngại về ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đến sức khoẻ con người ngày càng tăng, nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế thuốc lá điện tử…
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Hiện trên thế giới có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử: Argentina, Brazil, Brunei, Cabo Verde, Cambodia, Triều Tiên, Ethiopia, Gambia, Ấn Độ, Iran, Iraq, Jordan, Lào, Malaysia, Mauritius, Mexico, Nicaragua, Norway, các lãnh thổ Palestine, Oman, Panama, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Suriname, Syria, Thái Lan, Đông Timor, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Uganda, Uruguay, Vanuatu, và Venezuela.

Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Điển hình là Thái Lan đã cấm nhập khẩu, xuất khẩu, bán, sở hữu và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử đã được áp dụng từ tháng 11/2014. Bất cứ ai vi phạm quy định này sẽ bị tịch thu sản phẩm, bị phạt tiền, thậm chí có thể phải ngồi tù đến 10 năm.

11 quốc gia cấm bán thuốc lá nung nóng: Brazil, Triều Tiên, Ethiopia, Ấn Độ, Iran, Mexico, Na Uy, Panama, Singapore, Syrian Arab Republic, Đông Timor.

Đặc biệt, tại Australia, nicotine vẫn nằm trong danh mục “chất độc dược” và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Vào năm 2012, Australia đã là quốc gia đầu tiên yêu cầu các nhà sản xuất thuốc lá chấm dứt sử dụng bao bì thiết kế riêng mà phải đồng loạt dùng một loại bao bì thiết kế không bắt mắt.

Tuy nhiên, một số nước cấm sản xuất và buôn bán thuốc lá điện tử có các lệnh kiểm soát việc sử dụng khác nhau. Các Tiểu Vương quốc Arab tiến hành tịch thu thuốc lá điện tử ngay tại sân bay. Brazil cảnh báo, tịch thu xử phạt hành chính đối với những người sử dụng bị phát hiện. Nhật Bản giới hạn dung tích tối đa của mỗi bình thuốc lá điện tử là 120ml. Phần Lan, Argentina, Venezuela, Pháp… thuộc nhóm các quốc gia cấm người hút thuốc lá điện tử ở những nơi công cộng.

Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thuốc lá điện tử lớn nhất thế giới, tuy nhiên, Trung Quốc đã siết chặt quản lý thuốc lá điện tử. Các công ty kinh doanh thuốc lá điện tử tại nước này chỉ được phép bán sản phẩm thông qua các kênh được ủy quyền.

Việt Nam có khoảng 15,4 triệu người hút thuốc, trong đó một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã tiếp tục tìm đến thuốc lá thế hệ mới.

Tại Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh cụ thể về thuốc lá điện tử. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 67/2013/NĐ-CP: “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi”.

Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật và dẫn đến tử vong. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.

Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên... Một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường.

Để tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh… trong thuốc lá điện tử.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.

Đọc thêm