Các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đón Tết nguyên đán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không riêng Việt Nam, các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)... cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán.

Trung Quốc

Tết Nguyên đán được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc. Đây là thời điểm nghỉ lễ dài nhất tại nước này. Theo đó, mọi người được nghỉ khoảng 1 tuần để về thăm quê hương và quây quần bên gia đình.

Biểu diễn múa lân, đốt pháo sáng là những hoạt động phổ biến đón ở Trung Quốc vào dịp đầu năm mới. Ảnh: Getty Images.

Biểu diễn múa lân, đốt pháo sáng là những hoạt động phổ biến đón ở Trung Quốc vào dịp đầu năm mới. Ảnh: Getty Images.

Người dân Trung Quốc thường treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn một năm mới an lành, may mắn. Sắc đỏ từ đồ trang trí cho đến những bao lì xì ngập tràn ở Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán.

Ngày đầu năm mới, người lớn tuổi ở Trung Quốc tặng phong bì đỏ (hồng bao) cho trẻ em hoặc những người chưa lập gia đình. Truyền thống này được phát triển từ phong tục tặng tiền xu để xua đuổi tà ma.

Hàn Quốc

Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc còn được gọi là Seollal - ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành. Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày.

Tham gia các trò chơi dân gian cũng là một hoạt động phổ biến để chào mừng năm mới ơ Hàn Quốc. Ảnh: Korea.net.

Tham gia các trò chơi dân gian cũng là một hoạt động phổ biến để chào mừng năm mới ơ Hàn Quốc. Ảnh: Korea.net.

Sáng sớm ngày đầu tiên năm mới, các thành viên trong gia đình sẽ diện trang phục truyền thống hanbok và bái lạy trước bàn thờ, cúng gia tiên với những món ăn truyền thống chủ yếu như hạt dẻ, lê, bánh, cá khô, đậu phụ, canh bánh gạo, các món chiên.

Đặc biệt, trước cửa nhà của người Hàn Quốc thường có một cái xẻng bằng rơm (gọi là Bok-jo-ri) mang ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm.

Singapore

Vào những ngày Tết, tại Singapore, người dân địa phương thường tổ chức lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật là Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao, Lễ hội đường phố Chingay, cùng nhiều hoạt động khác.

Người dân Singapore thường tổ chức các sự kiện trong lễ hội mùa xuân vào dịp năm mới. Ảnh: Gardens by the Bay.

Người dân Singapore thường tổ chức các sự kiện trong lễ hội mùa xuân vào dịp năm mới. Ảnh: Gardens by the Bay.

Các lễ hội này kéo dài từ ngày 1/1 Âm lịch đến 15/1 Âm lịch. Mỗi lễ hội đều mang đậm chất xuân, vui tươi và có rất đông người dân tham gia.

Cũng giống Việt Nam, tại Singapore, trong dịp Tết Nguyên đán, người thân sẽ dành tặng nhau những phong bao lì xì màu đỏ để cầu chúc may mắn.

Mông Cổ

Tết Nguyên đán ở Mông Cổ hay còn gọi là Ngày Tsagaan Sar, là một trong hai dịp lễ lớn nhất tại quốc gia này. Đây không chỉ là ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa đông dài và lạnh lẽo, đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm để gia đình sum vầy, củng cố mối quan hệ.

Người Mông Cổ sẽ đón năm mới trong 15 ngày. Họ sẽ quây quần bên gia đình, ăn thịt cừu, bánh kẹo, há cảo và airag (sữa ngựa lên men).

Vào thời khắc giao thừa, nam giới Mông Cổ thường thực hiện nghi lễ quan trọng, lên một ngọn đồi/núi gần nhà để cầu nguyện. Ảnh: Dream Mongolia.

Vào thời khắc giao thừa, nam giới Mông Cổ thường thực hiện nghi lễ quan trọng, lên một ngọn đồi/núi gần nhà để cầu nguyện. Ảnh: Dream Mongolia.

Trong 3 ngày đầu năm mới, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục truyền thống. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng.

Các nước khác

Tết âm lịch là một ngày lễ phổ biến ở nhiều nước châu Á, không chỉ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. Các quốc gia đón Tết Âm lịch còn có Campuchia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Bhutan.

Đọc thêm