Các tập đoàn, tổng công ty “nợ” thuế hơn 21 nghìn tỷ đồng

 25/27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đều có lãi song Kiểm toán Nhà nước vẫn cảnh báo, các “đầu tàu” chưa phát huy tốt nhất vai trò chủ đạo,  hoạt động với hiệu quả chưa cao và “đe doạ” đến việc bảo toàn vốn…

25/27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đều có lãi song Kiểm toán Nhà nước vẫn cảnh báo, các “đầu tàu” chưa phát huy tốt nhất vai trò chủ đạo,  hoạt động với hiệu quả chưa cao và “đe doạ” đến việc bảo toàn vốn…

Số tiền thuế mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chậm nộp chiếm gần một nửa so với lợi nhuận trước thuế
Số tiền thuế mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chậm nộp chiếm gần một nửa so với lợi nhuận trước thuế

Lãi lớn...

Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của 27 doanh nghiệp nhà nước (24 tập đoàn, Tcty  và 03 công ty nhà nước độc lập) do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sáng qua, 30/8, có 25/27 doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn. Tổng lợi nhuận trước thuế 48.461 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu, thu nhập bình quân đạt 15,98%, trên vốn đầu tư chủ sở hữu bình quân đạt 25,13%.

Trong đó, kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, Tcty tiếp tục tăng trưởng so với năm 2008, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN (lợi nhuận trước thuế 34.314 tỷ đồng, tăng 4,18%;), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (768,7 tỷ đồng, tăng 78,5%), Tcty Công nghiệp Sài Gòn (428,7 tỷ đồng, tăng 28,79 %) ... 

Tổng vốn chủ sở hữu của 27 DN là 306.084 tỷ đồng, trong đó PVN là 191.528 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT 67.828 tỷ đồng, Tcty Đường sắt Việt Nam 14.141 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 1,51 lần và phần lớn DN có hệ số nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

Quản lý tài chính - chưa có nhiều chuyển biến

Tổng nợ phải thu của 27 DN đến 31/12/2009 là 88.065 tỷ đồng, tỷ lệ trên tổng tài sản là 14,23%, trên vốn chủ sở hữu là 26,93%. Cơ bản các DN đã mở sổ theo dõi theo quy định nhưng nhiều đơn vị được kiểm toán việc đối chiếu, xác nhận nợ chưa đầy đủ; chưa rà soát phân loại nợ để có biện pháp thu hồi kịp thời, dẫn đến nhiều khoản phải thu khó đòi, tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm như tại VNPT có Cty Viễn thông Đồng Nai (15 tỷ đồng), Cty Viễn thông Quốc tế (922 tỷ đồng), Cty Viễn thông Hà Nội (97,6 tỷ đồng), Cty Viễn thông TP. HCM (109 tỷ đồng).

KTNN cũng lưu ý các khoản phải thu nội bộ, tạm ứng tại các DN thuộc lĩnh vực xây dựng chưa có nhiều chuyển biến. Đây là tồn tại ở hầu hết các tập đoàn, Tcy. Đơn cử như: Tcty Xây dựng Thăng Long: nợ phải thu quá 03 năm 30,8 tỷ đồng, nợ tạm ứng tồn đọng 3,5 tỷ đồng, trong đó hầu hết các cá nhân đã thôi việc; Tcty Xây dựng số 1: tổng số nợ phải thu ngắn hạn 826 tỷ đồng, chiếm 37,7% tài sản ngắn hạn, trong đó nợ phải thu khó đòi đã trích lập dự phòng 78,2 tỷ đồng, tạm ứng kéo dài nhiều năm 9,68 tỷ đồng; Tcty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội: nợ phải thu khách hàng khó đòi 85,5 tỷ đồng, nợ phải thu khác kéo dài 19 tỷ đồng, tạm ứng của cán bộ kéo dài 23,3 tỷ đồng; Tcty Xây dựng Công trình giao thông 5: văn phòng Tcty ứng vượt cho các đơn vị thành viên thực hiện dự án từ năm 2004 về trước 89,3 tỷ đồng, 05 đơn vị độc lập và 02 đơn vị hạch toán phụ thuộc được kiểm toán có số nợ phải thu trên 03 năm, khó đòi 167,6 tỷ đồng.

Chậm nộp thuế

Mặc dù phần lớn các DN hoạt động kinh doanh có lãi song  báo cáo của KTNN cho biết nhiều DN nộp thuế chưa kịp thời, số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2009 của các đơn vị là 21.210 tỷ đồng, trong đó KTNN kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 950,5 tỷ đồng. Cụ thể, PVN chậm nộp 15.267 tỷ đồng, VNPT 2.657 tỷ đồng, Tcty Xây dựng Công trình giao thông 5 là 630 tỷ đồng; Tcty Xây dựng Công trình giao thông 1: 287 tỷ đồng,  Tcty Công nghiệp Sài Gòn 237 tỷ đồng, Tcty Địa ốc Sài Gòn 218 tỷ đồng,  Tcty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội 183,6 tỷ đồng...  Trong số 950,5 tỷ đồng KTNN kiến nghị tăng thu, thuế giá trị gia tăng là 254,3 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp  391,2 tỷ đồng; thuế nhà đất và tiền sử dụng đất 83,8 tỷ đồng; thuế tài nguyên 46 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 1,3 tỷ đồng; các khoản thuế khác phải nộp hoặc giảm thu ngân sách nhà nước 86,2 tỷ đồng; phí, lệ phí, thuế xuất khẩu và thu thác 87,5 tỷ đồng...

Tại buổi họp báo công bố báo cáo kiểm toán, Phó Tổng KTNN cũng lưu ý việc tại một số tập đoàn, Tcty mặc dù tình hình tài chính tại công ty mẹ tốt nhưng tình hình tại một số đơn vị thành viên kinh doanh còn chưa đồng đều, có đơn vị kinh doanh hiệu quả cao nhưng cũng có đơn vị kinh doanh thua lỗ, đang trong giai đoạn đầu tư hoặc chưa bền vững; một số tập đoàn, Tcty có lãi nhưng hiệu quả kinh doanh thấp so với tiềm năng và so với các đơn vị cùng ngành khác, việc quản lý chi phí như chi phí khuyến mãi, khấu hao  tài sản cố định... còn hạn chế, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong tương lai...

Thanh Lan

Đọc thêm