Các “thần đồng” âm nhạc bị “bỏ rơi”?!

(PLO) - “Phải thẳng thắn thừa nhận ở Việt Nam chưa nhìn nhận được vai trò khả năng thiên bẩm của những đứa trẻ được cho là “thần đồng” để tạo môi trường tốt nhất cho trẻ. Việt Nam chưa hề có một công trình nghiên cứu về hiện tượng “thần đồng”. Việt Nam cũng chưa có trường lớp đặc biệt phát triển các nhân tài ấy. Chúng ta đang “bỏ rơi” thiên tài”- nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải tiếc nuối.
Quán quân Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2015 Đức Vĩnh.
Quán quân Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2015 Đức Vĩnh.
Nỗi lo này không phải không có cơ sở khi ở Việt Nam, “Con cò bé bé”- Xuân Mai là một ví dụ. Xuân Mai được xem là “thần đồng âm nhạc”. 2 tuổi, cô bé đã đi diễn và có một số CD bán rất chạy. 5 tuổi, Xuân Mai đã có hẳn một liveshow cho riêng mình với hơn 6.000 khán giả. 
Tuy nhiên, vì cuộc mưu sinh vất vả bên xứ người, không được đào tạo theo trường lớp đặc biệt dành cho tài năng, khi trưởng thành, Xuân Mai với hình ảnh một ca sĩ tuổi teen rất mờ nhạt trên “bản đồ âm nhạc Việt Nam”.
Tương tự là “thần đồng” Phương Mỹ Chi “dưới trướng” của bố nuôi (ca sĩ Quang Lê) hối hả chạy sô kiếm tiền hết tỉnh này tới tỉnh khác. Sự chạy sô quá mức khiến đứa trẻ 10 tuổi bị bào mòn sức lực và giọng hát. 
Phương Mỹ Chi đã mắc phải chứng khan giọng hoặc tắt tiếng đột ngột. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ bị mất giọng hát là khả năng mà Á quân “Giọng hát Việt nhí 2013” sẽ phải đối mặt. Mất giọng hát cũng có nghĩa Phương Mỹ Chi không còn tài năng, chẳng còn là “thần đồng”.
Phương Mỹ Chi - á quân Giọng hát Việt Nhí.
Phương Mỹ Chi - á quân Giọng hát Việt Nhí. 
Tại sao có không ít trường hợp “thần đồng” “sớm nở tối tàn” chỉ sau vài năm, trước khi trẻ kịp đến tuổi trưởng thành? Điều gì khiến chúng không tiếp tục linh hoạt và nhanh nhạy? Nhà nước không quan tâm? Môi trường không thuận lợi? Không được gia đình đầu tư? 
Nhiều người cho rằng tính sáng tạo là bẩm sinh. Tuy nhiên, không hẳn là tính sáng tạo từ trên trời rơi xuống. Nó sẽ được phát huy tối đa nếu được rèn luyện và hun đúc ngay từ nhỏ. 
Trẻ có biểu hiện những năng khiếu đặc biệt, nếu không được nuôi dưỡng sẽ thui chột, hoặc ít được phát huy tài năng. 
Các gia đình có con là “thần đồng” đang loay hoay tìm hướng đi phát triển tài năng của con. Nhiều bậc làm cha mẹ không giấu nổi hãnh diện khi con mình được liệt vào dạng “thần đồng”. Ngỡ tưởng tài năng là vô hạn, họ “tận dụng” con bằng cách cho chạy sô kiếm tiền.
Lại có bậc phụ huynh sợ con “khác người” đã “níu” tài năng trẻ bằng cách cho con học lớp bình thường cho giống các bạn cùng lứa. Họ cho rằng làm vậy để con có tuổi thơ bình thường như các bạn. 
Nhưng họ đâu hiểu, những trẻ có tư duy vượt trội không muốn học với các bạn đồng lứa. Vậy nên, chúng thường ngồi một góc lặng lẽ “ngắm” các bạn học những thứ mình đã… biết rồi. Hay vì cuộc mưu sinh khó khăn, họ không thể đưa con tới học ở trường đào tạo nhân tài. 
Ở các nước phát triển, nếu tổ chức cuộc thi âm nhạc, Ban tổ chức sẽ “bắt tay” với Học viện Âm nhạc, các trung tâm đào tạo để sau khi tìm được Quán quân, Ban tổ chức sẽ trao lại quyền giáo dục và đào tạo cho Học viện nhằm giúp tài năng đó phát triển. Ban tổ chức sẽ đứng sau chịu trách nhiệm bảo trợ, bảo hộ hình ảnh và các quyền liên quan cho họ trước công chúng. 
Còn ở Việt Nam, sau khi “tung hô” tài năng và thu bộn tiền qua quảng cáo, tin nhắn, Ban tổ chức “bỏ mặc” Quán quân. 
Không có điều kiện phát triển “thần đồng”, gia đình loay hoay tìm hướng đi cho con. Lẽ dĩ nhiên, các “thần đồng” đang cô đơn, tự “bươn chải” với tài năng của mình. “Thần đồng”- tài năng dễ bị “chết yểu”. Đáng tiếc thay…