Các tỉnh Bắc Trung Bộ nguy cơ ngập chìm trong nước

Liên tục những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng khiến một số tỉnh Bắc Trung Bộ ngụp lụt nghiêm trọng…

Liên tục những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng khiến một số tỉnh Bắc Trung Bộ ngụp lụt nghiêm trọng…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên. Mực nước lúc 10h giờ ngày 12/9 tại các trạm trên sông Bưởi tại Kim Tân 6,63m; Trên sông Cả tại Dừa 22,29m, dưới báo động 2 là 0,21m; tại Nam Đàn 6,72m, dưới báo động 2 là 0,18m. Trung tâm dự báo, lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên.  Sáng nay (13/09), mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân có khả năng lên mức báo động 1 (10m); trên sông Cả tại Dừa lên mức báo động 2 (22,5m), tại Nam Đàn lên mức 7,2m (trên BĐ2: 0,3m), sau đó còn tiếp tục lên chậm; hạ lưu sông Mã và sông La còn dưới mức báo động 1.

Lũ ở các sông từ Thanh Hóa- Hà Tĩnh đang lên.

Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh Nghệ An cho biết trong 3 ngày qua, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to đã gây nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp. Thống kê sơ bộ, đến sáng 12/9, Nghệ An đã có 331 nhà ở bị ngập, 5 nhà sập, 31 nhà bị sạt lở; 2.487ha lúa, 1.209ha ngô và rau màu, 1.057ha mía bị ngập; thiệt hại 174ha cây công nghiệp; sạt lở 5.110m3 đường giao thông, hư hỏng 79 cầu nhỏ, nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi vẫn chưa thể đi lại do bị sạt lở hoặc ngập nước. Tỉnh Nghệ An đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ngành khắc phục hậu quả mưa lũ.

Để chủ động các biện pháp phòng chống mưa, lũ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân, ngày 12/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa đã Công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác theo quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống đê điều, đặc biệt đối với các khu vực trọng điểm.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

Khẩn trương và bằng các biện pháp có thể để tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm giảm thiệt hại do ngập úng gây ra. Kiểm tra các công trình đang thi công; rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện dự trữ để sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời đối với các sự cố do mưa lũ gây ra. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước tại các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình. Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.

 PV

Bình Thuận: Mưa lớn cuốn trôi 5 học sinh

Sáng 12/9, Phan Thị Duy Uyên (17 tuổi) cùng 4 người bạn đang đi học tại thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thì bất ngờ bị lũ từ thượng nguồn tràn về cuốn trôi.

4 người bạn của Uyên may mắn được người dân cứu vớt kịp thời, còn Uyên do nước chảy xiết nên bị cuốn trôi, hiện xác của nạn nhân vẫn chưa tìm thấy. Trước đó, mưa to liên tục khiến nhiều diện tích hoa màu, vật nuôi của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng.

Thanh Tâm

Nghệ An:  Vỡ đập một người chết đuối

Ông Ngô Trọng Nghĩa – Trưởng công an xã Nghĩa Yên cho biết, vào khoảng 13 giờ chiều ngày 11/9, ông Hoàng Văn Quý (sinh 1968, trú tại làng Canh, xã Nghĩa Yên) phát hiện thấy đập Khe Canh (do gia đình ông nhận thầu) bị vỡ, nên cố ra chỗ đập vỡ để gia cố lại. Nhưng do mưa lớn kéo dài và lượng nước từ trên rừng đổ về quá lớn nên ông Quý bất ngờ đã bị dòng nước cuốn trôi.

Sau khi nhận được tin báo lực lượng Công an huyện Nghĩa Đàn, bộ đội đã phối hợp với công an xã và người dân địa phương tích cực trục vớt. Đến khoảng 8 giờ sáng 12/9 xác nạn nhân đã tìm được gần đó khoảng 500m.

Ngô Văn

Đọc thêm