Các tổ chức từ thiện hiệu quả đến đâu trong cuộc chiến chống thuốc lá?

(PLVN) - Không chỉ có sự tham gia của các tổ chức y tế, các cơ quan quản lý nhà nước mà vấn đề phòng chống tác hại của thuốc lá còn nhận được sự hỗ trợ về nguồn lực và chiến lược từ các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, các tổ chức này gần đây liên tục bị đặt dấu hỏi liệu quan điểm và chương trình hành động của họ có dựa trên cơ sở khoa học hay chỉ là duy ý chí?

Những quan điểm khác nhau về “chống thuốc lá”

Bất chấp những nỗ lực kêu gọi cai bỏ thuốc lá điếu vẫn luôn được phổ biến trong mọi ngõ ngách và trên chính từng bao thuốc lá thì theo dự báo của WHO, số người hút thuốc lá đến năm 2025 ước tính lên tới 1,299 tỷ người. Thực tế cho thấy những người hút thuốc lá trưởng thành bỏ được thuốc lá hoàn toàn chiếm tỷ lệ rất ít, nỗ lực bỏ thuốc lá của người hút thuốc gặp nhiều khó khăn và nhiều người đã thất bại kể cả khi sức khỏe của họ bị đe dọa nghiêm trọng và cai thuốc lá là y lệnh của bác sỹ. 

Điều này giải thích cho câu hỏi vì sao đối với thuốc lá, những hoạt động mang tính tổng lực của toàn thể cộng đồng, xã hội trong suốt nhiều năm đều không thu được kết quả như kỳ vọng. Vài thập niên qua, chiến dịch phòng chống thuốc lá trên toàn cầu được tiếp sức mạnh mẽ khi thế giới xuất hiện những tỷ phú đô-la sẵn lòng chi tiền cho các hoạt động từ thiện. 

Một số tổ chức từ thiện đặc biệt nổi bật trong phòng chống tác hại của thuốc lá có thể kể đến như Bloomberg Philanthropies, Melinda and Bill Gates Foundation. Trong đó, Bloomberg đã chi ít nhất 10 tỷ đô-la cho các hoạt động tài trợ và một phần đáng kể trong số đó dành cho mục tiêu chống thuốc lá tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

Quỹ Billgate và Bloomberg đã cam kết chi hơn 1 tỷ đô la Mỹ cho hoạt động chống thuốc lá toàn cầu.

Quan điểm của Bloomberg và các tổ chức từ thiện của mình khá cứng nhắc, theo đó với thuốc lá chỉ có “bỏ thuốc lá hay là chết”. Các chương trình hành động của họ đều chỉ nhắm đến mục tiêu vận động người hút thuốc bỏ hút hoàn toàn bên cạnh cương lĩnh đúng đắn là ngăn giới trẻ tiếp xúc và sử dụng thuốc lá hay các sản phẩm có chứa nicotine.

Vì quan điểm “bỏ thuốc lá hay là chết”, các tổ chức này sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho những hoạt động chống thuốc lá. Tháng 12/2020, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Philippines đã bị đề xuất tiến hành một cuộc điều tra do liên quan đến việc tổ chức này nhận tài trợ từ Quỹ Bloomberg và Liên minh Phòng chống Lao và bệnh Phổi Quốc tế (The Union). 

Những tổ chức tư nhân quốc tế này vận động cho chính sách chống lại tất cả các sản phẩm thuốc lá hoặc có chứa nguyên liệu thuốc lá. Các khoản tài trợ này bị cho là được dùng để đổi lấy việc ban hành các chính sách cụ thể và được xác định trước đối với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính minh bạch và công bằng về mặt chính sách.

Cần cách tiếp cận mới để giảm thiểu tác hại của thuốc lá điếu

Từ nhiều năm nay, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, rất nhiều tiền của đã được chi cho mục tiêu giúp người hút thuốc cai thuốc lá. Thực tế cho thấy việc coi cai thuốc lá là con đường duy nhất đã không mang lại hiệu quả tích cực. 

Vấn đề còn nằm ở chỗ nếu không giảm đáng kể số người hút thuốc lá đồng nghĩa với việc không thể ngăn chặn hay làm giảm đi những cái chết do thuốc lá gây ra. Theo như thông tin đăng tải ngay tại chính trang chủ của Bloomberg Philanthropies thì chết vì thuốc lá chiếm đến 1/10 số ca tử vong.

Thời gian qua, rất nhiều nghiên cứu nhằm phát triển những giải pháp thay thế đã được thực hiện và kết quả là sự ra đời của những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu. Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là những sản phẩm như vậy. 

Cần phải nói rõ thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng không được phát triển nhằm mục đích giúp người hút thuốc lá trưởng thành cai bỏ thuốc lá điếu, mà mục đích của sản phẩm là “giảm thiểu tác hại”, dù kết quả các nghiên cứu cho thấy có một tỷ lệ đáng kể người chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang thuốc lá nung nóng đã cai thuốc lá điếu thành công.

Báo cáo năm 2020 của Ủy ban về Nghiên cứu độc tính của các chất hóa học trong thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng và môi trường của Anh kết luận “nguy cơ tương đối của các tác động tiêu cực đến sức khỏe được kỳ vọng sẽ thấp hơn đáng kể” đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, so với thuốc lá điếu đốt cháy. 

Thêm vào đó, nội dung cập nhật vào tháng 2/2021 từ Tổ chức Y tế Công cộng Anh chỉ ra, tại Anh, thuốc lá điện tử là “phương tiện hỗ trợ phổ biến nhất được những người hút thuốc sử dụng để cai hút thuốc lá điếu đốt cháy” và “việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan tích cực đến nỗ lực cai thuốc lá điếu đốt cháy thành công”. 

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho phép tiếp thị thuốc lá nung nóng như một sản phẩm điều chỉnh nguy cơ.

Trước đó, vào tháng 7/2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã thông qua việc tiếp thị thuốc lá nung nóng như một sản phẩm điều chỉnh nguy cơ (MTRP), đưa Hoa Kỳ vào danh sách gần 60 quốc gia cấp phép lưu hành thuốc lá nung nóng.

Đối với Việt Nam, sự cộng hưởng của việc không có chính sách và không thể kiểm soát buôn lậu đã dẫn đến tình trạng thị trường tràn ngập những sản phẩm thuốc lá điện tử nguy hại như hiện nay. Điều kiện hiện tại chưa cho phép để Bộ Y tế có thể tiến hành các nghiên cứu khoa học đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. 

Tuy nhiên, những nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà sản xuất hay các nghiên cứu độc lập được thực hiện bởi bên thứ ba đã được công nhận và công bố có thể coi là nguồn tham khảo quan trọng cho việc ban hành chính sách quản lý nhằm sớm đưa ra danh mục những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nằm trong định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành, đồng thời sớm đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn cho những sản phẩm đủ điều kiện tham gia vào thị trường.

Đọc thêm