Các trường vẫn chưa thể tự chủ trong một số vấn đề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn, sau 5 năm, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Giáo dục đại học đã bộc lộ một số bất cập so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đại học Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT chủ trì thảo luận tại Tọa đàm. (Ảnh: MOET)
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT chủ trì thảo luận tại Tọa đàm. (Ảnh: MOET)

Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện thí điểm tự chủ đại học (ĐH) bắt đầu từ giai đoạn 2014 - 2017, với 4 trường ĐH công lập trực thuộc là Trường ĐH Kinh tế quốc dân (nay là ĐH Kinh tế Quốc dân), Trường ĐH Kinh tế TP HCM (nay là ĐH Kinh tế TP HCM), Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Hà Nội (trước là Trường ĐH Ngoại ngữ) theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Ngoài Nghị quyết, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2013, 2014, 2015 và 2018 đã quy định rất rõ về tự chủ ĐH. Đặc biệt, Nghị định 99 hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục ĐH 2018 gần như “gỡ” hoàn toàn cho tự chủ ĐH. Tuy nhiên, những luật khác liên quan chưa được điều chỉnh đồng bộ dẫn đến khi thực hiện, tự chủ vẫn là câu chuyện dài với các trường ĐH, các ĐH.

Giảm cơ chế “xin - cho”

Tại Tọa đàm “Đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2023”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, trong hơn 5 năm thực hiện Luật Giáo dục ĐH, dù số lượng trường ĐH không thay đổi đáng kể nhưng quy mô, chất lượng đào tạo có sự gia tăng rõ rệt, đặc biệt là năng lực quản trị ĐH, sự cạnh tranh, tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH đã được nâng cao.

Theo Thứ trưởng, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Giáo dục ĐH đã bộc lộ bất cập so với yêu cầu thực tiễn phát triển của ĐH Việt Nam. Vì vậy, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và văn bản pháp luật liên quan, báo cáo Chính phủ năm 2024.

Qua 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục ĐH cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục ĐH, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục ĐH, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống chính trị. Hành lang pháp lý về tự chủ ĐH tiếp tục được hoàn thiện. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành có liên quan đã khẩn trương, tích cực xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai, ban hành nhiều quy định, chính sách quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương về đẩy mạnh tự chủ ĐH, nhất là trên các lĩnh vực tự chủ về chuyên môn, về tổ chức, nhân sự và về tài chính.

Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục ĐH cũng đã có nhiều chuyển biến, thay đổi phù hợp với điều kiện tự chủ ĐH. Các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều quy định khung, tiêu chuẩn làm công cụ quản lý hữu hiệu, giảm thiểu cơ chế “xin - cho” trong quản lý giáo dục ĐH.

Đồng thời, thực hiện cơ chế tự chủ, công tác quản lý, quản trị ĐH có chuyển biến tích cực. Cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục ĐH phát huy dân chủ, có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn trong xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

Việc thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH đã bước đầu có sự đa dạng hoá; hiệu quả sử dụng nguồn lực có nhiều cải thiện và từng bước được nâng cao. Cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH dần được điều chỉnh, đổi mới. Chất lượng giáo dục ĐH từng bước được nâng lên. Tỉ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị tăng đáng kể; số lượng công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh. Một số cơ sở giáo dục ĐH có sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, học thuật, góp phần từng bước khẳng định vị thế và uy tín của giáo dục ĐH Việt Nam trên trường quốc tế.

Làm rõ những “khoảng trống” pháp lý

Về mục đích của việc rà soát đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2024, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đó là đánh giá khách quan, toàn diện tình hình, kết quả triển khai thực hiện các quy định của Luật Giáo dục ĐH, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, “khoảng trống” pháp lý trong hệ thống pháp luật về giáo dục ĐH nhằm đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành Luật Giáo dục ĐH trong thời gian tới.

Nghiên cứu nhiệm vụ mới được Đảng, Chính phủ giao tại các nghị quyết, chỉ thị, Đề án Chính phủ có liên quan phát triển giáo dục ĐH trong giai đoạn mới để đề xuất các nội dung cần thể chế hóa trong Luật Giáo dục ĐH. Nghiên cứu bối cảnh của khu vực và thế giới, ảnh hưởng của sự phát triển khoa học công nghệ tới đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai để đề xuất các nội dung cần bổ sung trong quy định của Luật Giáo dục ĐH.

Trong phần thảo luận, các ý kiến của các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục ĐH tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Quy định về hệ thống cơ sở giáo dục ĐH, quy định về tổ chức cơ sở giáo dục ĐH, quy định về hoạt động đào tạo, quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, quy định về tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục ĐH, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường…

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, quá trình đánh giá, sơ kết thực hiện Luật Giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2023 có 2 mục tiêu là phân tích những khó khăn, thuận lợi, mặt được, những tồn tại hạn chế để từ đó đề xuất sửa Luật, xây dựng luật mới. Đây cũng là sự đóng góp trí tuệ, chia sẻ khó khăn từ các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước. Có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay nhưng phải cùng nhau làm rõ những gì còn vướng mắc trong Luật, trong các văn bản hướng dẫn hay là ở khâu tổ chức thực hiện, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện… “Những ý kiến này đều được Bộ GD&ĐT ghi nhận, bổ sung vào báo cáo trình Chính phủ để có đề xuất sửa đổi hoặc thay thế luật đảm bảo sự đồng bộ với các Luật khác như: Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Khoa học công nghệ, qua đó có một hành lang pháp lý ngắn gọn, rõ để triển khai thực hiện đạt hiệu quả như mong muốn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Mặc dù tự chủ được xem như “cởi trói” cho giáo dục ĐH nhưng thực tế chỉ tháo gỡ được những “điểm nghẽn” trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH. Còn những vấn đề như nhân lực, tài chính, hợp tác quốc tế (những nội dung không nằm trong sự điều tiết của Bộ GD&ĐT) gây “khó” cho các trường…

Đọc thêm