Cách nào để doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến thành công?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với dự báo thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐT XBG) có thể đạt đến 300.000 tỷ đồng vào năm 2026, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam phải làm gì để chạm được mục tiêu này?
Hàng hóa của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể tiếp cận thị trường toàn cầu nhanh nhất thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hàng hóa của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể tiếp cận thị trường toàn cầu nhanh nhất thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tăng nhận thức cho doanh nghiệp

Ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022. Nhiều DN Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô. Những khó khăn này tập trung vào 4 vấn đề chính gồm: kiến thức, năng lực, quy định và chi phí.

Theo báo cáo của Access Partnership, dù đã ghi nhận nhiều nỗ lực hỗ trợ, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức khi xuất khẩu TMĐT. Có 88% DN Việt Nam được khảo sát nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT đối với năng lực xuất khẩu của họ, nhưng 80% trong số đó cũng thừa nhận họ thiếu thông tin về các quy định liên quan ở thị trường nước ngoài như các quy định về tính tuân thủ sản phẩm. Những quy định này liên tục thay đổi theo thời gian, theo thị trường. Ngoài ra, còn có những thách thức khác khi vận hành xuất khẩu online như logistics, thanh toán, pháp lý, xây dựng thương hiệu.

Do đó, các thông tin cũng như những cơ hội, bài học, các khóa đào tạo đã được các bên liên quan tổ chức để phổ biến đến những đối tượng DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa này. “Chúng tôi hiểu được những câu hỏi mà DN đang gặp phải và chúng tôi nỗ lực hợp tác với các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ và trao quyền cho các DN xuất khẩu online” - ông Gijae Seong nói.

Theo đó, Amazon sẽ tập trung vào 5 mục tiêu, như tăng nhận thức với DN về cơ hội kinh doanh cũng như sự sẵn sàng của DN với cuộc chơi TMĐT XBG; Phát triển các kênh mới cho DN tham dự TMĐT XBG nhằm thúc đẩy sự phát triển và xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hàng hóa Việt Nam thông qua hỗ trợ các chủ thương hiệu xây dựng câu chuyện thành công thương hiệu; Tối ưu vận chuyện hậu cận đặc biệt là chi phí để DN không cần phải lo lắng về vấn đề này; Đồng thời kết nối và xây dựng cộng đồng nhà bán để các DN nhận tư vấn và lời khuyên trong quá trình cùng nhau ra thế giới qua TMĐT.

Sẽ hoàn thành chính sách xuất khẩu trực tuyến

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS (Bộ Công Thương) cho biết, để hỗ trợ các DN chuyển đổi số cũng như đồng hành cùng DN trong hành trình vươn ra thị trường quốc tế, ứng dụng TMĐT, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định, nghị định và văn bản. Điều này đã giúp cho các DN, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa được hưởng lợi rất nhiều từ sự bùng nổ TMĐT.

Ví dụ, tại Nghị định 80 hướng dẫn Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có quy định hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng trên những nền tảng TMĐT trong nước và quốc tế cho cộng đồng DN này; Tại Quyết định 645 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng quy định rất nhiều giải pháp như nâng cao năng lực, đào tạo cho DN ứng dụng TMĐT cho DN đến các giải pháp hỗ trợ cho DN chuyển đổi số, mở website, tham gia các sàn TMĐT hoặc những chương trình TMĐT thường niên để kích cầu thị trường, mở rộng thị trường bán hàng XBG thông qua TMĐT.

Đáng chú ý, Quyết định 1415 của Thủ tướng Chính phủ về đề án thúc đẩy DN tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối toàn cầu, có quy định coi hỗ trợ DN tham gia bán hàng TMĐT XBG là một giải pháp cốt lõi. Quyết định này đề ra mục tiêu đào tạo 5.000 lượt DN trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT xuyên biên giới, coi đây là một kênh mà các DN có thể tham gia trực tiếp vào mạng phân phối toàn cầu.

Tuy nhiên, đại diện Amazon cho rằng, chính sách dành cho đối tượng tham gia TMĐT XBG vẫn còn nhiều khoảng hở chưa rõ ràng và có nhiều vấn đề cần tìm hiểu thực tế từ các DN tham gia xuất khẩu. Và Amazon sẽ góp phần hoàn thiện hóa các môi trường chính sách thông qua việc lắng nghe các DN tham gia để chia sẻ với cơ quan xây dựng chính sách; Đồng thời sẽ chia sẻ với các đơn vị xây dựng chính sách những môi trường tham chiếu tương tự từ các nước đi trước, để Việt Nam có một khung chính sách thuận lợi cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể phát triển thuận lợi.

Bà Lại Việt Anh khẳng định, TMĐT XBG đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng TMĐT bán lẻ trên 20%/năm, đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ. Cục TMĐT và Kinh tế số đã và đang hoàn thiện các chính sách xuất khẩu trực tuyến, tìm hiểu các rào cản mà cộng đồng DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp phải, đồng thời cung cấp tài nguyên giáo dục và các chương trình đào tạo để giúp các DN Việt Nam mở rộng kinh doanh quốc tế và đạt được thành công trên quy mô toàn cầu.

Đọc thêm