Cách nào sớm hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 nhưng đến ngày 15/5/2023, Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) mới chính thức được phê duyệt và phải gần 1 năm sau đó kế hoạch thực hiện QHĐ VIII này mới chính thức được thông qua. Để hiện thực hóa những dự án trong kế hoạch này không đơn giản khi quy hoạch có những dự án rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị.
Cần sớm có cơ chế chính sách cho điện mặt trời tự sản, tự tiêu. (Ảnh: PV).
Cần sớm có cơ chế chính sách cho điện mặt trời tự sản, tự tiêu. (Ảnh: PV).

Còn nhiều vướng mắc

Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã xác định được một số nội dung quan trọng cần thực hiện trong QHĐ VIII như xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 để làm cơ sở triển khai và điều hành phát triển nguồn điện; Xác định rõ 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng, trong đó Trung tâm 1 tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và khu vực lân cận (quy mô khoảng 2.000MW) và Trung tâm 2 tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và mở rộng lân cận trong tương lai…

Tuy nhiên, để thực hiện hóa cụ thể những kế hoạch trong QHĐ VIII thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ, với nguồn điện gió ngoài khơi (mục tiêu đạt 6.000MW vào năm 2030) do vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ ràng (quy hoạch không gian biển chưa được phê duyệt...) nên Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét xác định cụ thể các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cũng mới chỉ có 46/63 địa phương đưa thông tin cụ thể về các dự án NLTT; đặc biệt, nhiều địa phương chưa tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong việc đề xuất các dự án phù hợp với quy mô công suất phân bổ. Một số địa phương đề xuất danh mục dự án NLTT gấp nhiều lần so với quy mô công suất phân bổ, không đưa theo thứ tự ưu tiên phát triển theo quy hoạch.

Ngoài ra, nhiều địa phương cung cấp thông tin về các tiêu chí của dự án không rõ ràng, không bảo đảm tính pháp lý để đánh giá nên nhiều dự án mặc dù đã đủ thông tin về 9 tiêu chí, nhưng chưa được đề xuất đưa vào danh mục phê duyệt kế hoạch thực hiện QHĐ VIII vừa qua.

Chưa kể, hiện đang có nhiều vướng mắc liên quan đến phát triển các nhà máy điện khí do chưa thống nhất được hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đại diện EVN, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc cam kết sản lượng trong hợp đồng bởi EVN không thể cam kết dài hạn với chủ đầu tư về sản lượng này do đây là nguồn điện giá cao, nếu cam kết sản lượng thì trong trường hợp không huy động nguồn điện này thì EVN vẫn phải trả tiền. Trong khi đó, các chủ đầu tư thì cần cam kết sản lượng để đáp ứng yêu cầu của bên cho vay và đơn vị cung cấp khí.

Cần sớm ban hành các chính sách liên quan

Để triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện QHĐ VIII, theo đại diện các doanh nghiệp ngành năng lượng cũng như lãnh đạo một số địa phương, cần sớm có các chính sách cụ thể để đáp ứng việc phát triển các nguồn điện, trong đó có những nguồn điện để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cụ thể như chính sách cho NLTT, trong đó cần thúc đẩy nhanh cơ chế phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu, các quy định về hợp đồng mua điện khí, tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư dự án điện gió ngoài khơi Bắc Bộ; đặc biệt cần sớm ban hành các cơ chế chính sách phối hợp với các địa phương thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời sớm ban hành quy chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở đề xuất chủ trương dự án.

Đáng chú ý, đại diện EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế giao EVN và các doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm trong Kế hoạch thực hiện QHĐ VIII để bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, EVN kiến nghị các địa phương sớm tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các dự án nguồn điện để triển khai đầu tư, sớm đưa vào vận hành đáp ứng tiến độ theo Kế hoạch thực hiện QHĐ VIII, nhất là với nguồn điện lớn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị 17 địa phương chưa gửi dữ liệu dự án và các địa phương khác có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện dữ liệu. “Sau 30/4 các địa phương phải báo cáo dữ liệu dự án về Bộ Công Thương, sau 30/4 nếu các địa phương chậm gửi báo cáo thì dung lượng ấy sẽ xem xét phân bổ cho các địa phương khác. Vì đây là Quy hoạch bảo đảm năng lượng cho đất nước, cho nên nếu địa phương này không làm được thì dành cho địa phương khác” - Bộ trưởng Bộ Công Thương lưu ý.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, từ tháng 4, ít nhất 1 tháng/lần Bộ Công Thương sẽ giao ban với các địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án trong QHĐ VIII.

Đọc thêm