Hàng loạt trạm BOT bị phản đối
BOT đã trở thành “điểm nóng” và là vấn đề nan giải ở các địa phương. Hơn một tháng trước vấn đề BOT Cai Lậy vẫn chưa có “lối thoát”, thì liên tiếp các trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, BOT Sóc Trăng, BOT T2 trên QL91 Cần Thơ – An Giang… lại tiếp tục bị người dân phản đối. Vẫn với những “chiêu thức” sử dụng tiền lẻ, không chịu mua vé, dừng xe ở làn thu phí... đã khiến nhiều trạm thu phí kẹt cứng, giao thông ách dài mấy cây số. Điều đáng quan tâm, thời điểm hiện tại đang cận tết, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao nhưng tại các trạm BOT lại kẹt xe, ùn tắc làm cản trở việc lưu thông, kinh doanh mua bán của người dân và các công ty, doanh nghiệp.
Việc đầu tư xây dựng giao thông theo hình thức BOT là cần thiết, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội phát triển, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập chưa được minh bạch, rõ ràng, không được sự đồng thuận của người dân. Đa phần người dân ở các địa phương phản đối vì cho rằng một số trạm BOT có vị trí đặt chưa phù hợp, tổng mức đầu tư chưa rõ ràng dẫn đến mức thu phí quá cao và thời gian thu phí kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Bạc Liêu cho biết, dự án BOT Bạc Liêu (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) không xây dựng tuyến tránh qua TP Bạc Liêu, mà chỉ nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, với chiều dài gần 10km, rộng 20,5m, với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng và được phép thu phí trong khoảng 15 năm.
Bên cạnh đó, dự án BOT Sóc Trăng bắt đầu từ cầu Trà Quýt, xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành) đến xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) với tổng chiều dài trên 16km. Trong đó, có hai giai đoạn, một là mở rộng QL1 thuộc xã Thuận Hòa (Châu Thành) đến cửa ngõ TP Sóc Trăng dài 8,54 km, hai là làm tuyến đường tránh TP Sóc Trăng dài 7,68 km. Dự án được thực hiện theo quyết định phê duyệt ngày 27/12/2014 của Bộ GTVT, có tổng vốn đầu tư hơn 1.419 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 18 năm 9 tháng.
Từ mức tổng vốn đầu tư dự án và thời gian thu phí tại 2 trạm BOT trên, ta thấy mức đầu tư dự án BOT Bạc Liêu chưa bằng 50% mức đầu tư của dự án BOT Sóc Trăng nhưng thời gian thu phí lại kéo dài đến khoảng 15 năm trong khi thời gian thu tại BOT Sóc Trăng chỉ có 18 năm 9 tháng, tức là bằng 80% thời gian thu phí của BOT Sóc Trăng. Tại sao lại có sự chênh lệch này?
Cứ phản đối... là giảm giá vé
Để giải quyết vấn đề trên, nhiều chủ đầu tư BOT đã họp với chính quyền địa phương thực hiện miễn, giảm phí qua trạm. Cụ thể, vừa qua, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Bạc Liêu cho biết đã ra văn bản thông báo về việc giảm giá vé cho người dân lân cận của BOT Bạc Liêu, bắt đầu từ 0h ngày 10/1. Theo đó, xe buýt thuộc thị trấn Châu Hưng và xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) được giảm 100% giá vé; riêng các xe không đăng ký kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được giảm 40%, còn các phương tiện khác giảm 20%.
Như vậy, giá vé qua trạm chỉ còn từ 15.000-84.000 đồng, tùy theo loại xe. Riêng các loại xe kinh doanh chỉ còn mức phí từ 20.000-112.000 đồng. Theo ông Phương, việc thực hiện giảm giá vé cho một số phương tiện tại trạm thu giá BOT Bạc Liêu (Km 2171+200, thuộc huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) là thực hiện theo Công văn số 764/BGTVT-ĐTCT ngày 14/12/2017 của Bộ GTVT.
Về vấn đề BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, trong cuộc họp ngày 8/1 với tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã thống nhất quan điểm phương án giảm giá TP Cần Thơ đề nghị. Giảm giá 100% giá vé cho các phương tiện không kinh doanh ở phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang); giảm 50% giá vé cho xe ô tô từ 10 chỗ trở lên và xe tải trên 1 tấn ở phường Ba Láng, xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc. Các hộ dân, doanh nghiệp có hợp đồng vận chuyển cụ thể, cố định trên 3 tháng có sử dụng quãng đường dưới 5 km tính từ trạm đều được hưởng chính sách miễn giảm. Đối với 23 phương tiện không đăng ký xe chính chủ thuộc phường Ba Láng (Cần Thơ) và 126 xe của Hậu Giang, kể cả xe buýt cũng được hưởng chính sách miễn giảm.
Được biết, trước đó, trạm BOT này cũng đã thực hiện giảm giá. Mức giảm chung cho các phương tiện là 7-15% so với trước đó; giảm đối với các phương tiện khu vực lân cận trạm như nêu ở trên là 30-35% và 100% đối với xe buýt.
Miễn, giảm giá vé là biện pháp nhiều trạm BOT đã thực hiện. Tuy nhiên, việc giảm giá để ngăn chặn ách tắc giao thông chỉ là giải pháp tạm thời giải quyết “phần ngọn” của vấn đề chưa giải quyết được tận gốc của “ngòi nổ” BOT. Đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa có phương án giải quyết tổng thể, mà mới chỉ là những biện pháp giải quyết tình huống.
Hiện nay, dư luận lại đặt ra nhiều thắc mắc về vấn đề miễn, giảm giá phí. Tại sao mỗi lần người dân phản đối lại miễn, giảm giá phí? Đặt vấn đề ngược lại, nếu người dân không phản đối vậy có miễn, giảm hay không? Phải chăng vị trí đặt trạm có vấn đề và vấn đề vốn đầu tư, thời gian đầu tư vẫn chưa ổn?
Liệu các chủ đầu tư có kê khống mức đầu tư, nâng thời gian thu phí để thu lãi cao hay không? Nói về vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, Kiểm toán Nhà nước đang kiểm toán dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Sau khi có kết quả, dự án này sẽ đưa vào rà soát và xem lại thời gian thu phí của dự án.