Cách người trẻ xua tan áp lực khi Tết về

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Chớp mắt một cái đã đến Tết”, hay “Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết”… là những câu nói “vừa mừng” “vừa lo” mà chúng ta thường nghe thấy. Với nhiều bạn trẻ, Tết vốn là dịp sum vầy vui vẻ với gia đình nhưng lại mang theo nhiều áp lực. Vậy làm thế nào để vượt qua những áp lực ấy? 
Cách người trẻ xua tan áp lực khi Tết về

Hãy biết cân bằng mọi chuyện

Là nhân viên văn phòng, năm nay là năm thứ 3 chị Minh Hằng (30 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đón Tết cùng gia đình nhỏ của mình. Tuy nhiên, Tết về với chị mọi thứ chưa từng “dễ thở”.“Khi là phụ nữ đã có gia đình, Tết về cũng khá nhiều áp lực. Áp lực về tài chính biếu nội ngoại hai bên, rồi dọn dẹp, nấu nướng, cúng bái. Tưởng là đơn giản nhưng lại chẳng hề đơn giản. Hai vợ chồng mình thu nhập ở mức trung bình lại có con nhỏ nên rất nhiều khoản chi tiêu. Tết về phải cân đối biếu nội ngoại hai bên như nào cho hợp lý rồi mua sắm thực phẩm, đồ trang trí cho mấy ngày Tết”, chị Hằng giãi bày.

Không chỉ lo về các khoản chi tiêu sắm Tết, chị Hằng cũng phải cân đối mức thưởng tết của hai vợ chồng và sẽ dành một khoản biếu ông bà hai bên, mua sắm tết, mừng tuổi cho mọi người. Tất cả các khoản chi tiêu đều phải được tính toán ở mức phù hợp với thu nhập của hai vợ chồng.

Áp lực là vậy, nhưng chị Hằng luôn cố gắng cân bằng mọi việc, từ công việc cho đến chuyện gia đình. Chị Hằng luôn muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình trong năm mới, thay vì tự tạo áp lực cho bản thân mình.

“Mình nghĩ rằng, Tết đến mỗi người sẽ gặp những áp lực khác nhau. Áp lực về kinh tế, công việc cuối năm, gia đình, con cái. Mình mong rằng mỗi người chúng ta hãy biết cân bằng mọi chuyện. Khi ở tâm thế cân bằng ta sẽ giải quyết được mọi chuyện một cách ổn thỏa rồi. Mọi người cũng nên bao dung và tâm lý với nhau. Những gì có thể bỏ qua nên bỏ qua, quan tâm đúng mực và nhất là không nói lời dễ gây tổn thương nhau. Hãy để Tết mỗi người chúng ta đều được đón một cái Tết trọn vẹn, đúng nghĩa”, chị Hằng chia sẻ.

Thay đổi tâm thế đón Tết

Chị Hồng Quế (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn còn độc thân, hiện sống cùng bố mẹ. Chị Quế cho rằng, qua từng giai đoạn, ở mỗi độ tuổi sẽ có những áp lực khác nhau, độc thân hay đã lập gia đình đều cũng sẽ có những “deadline” riêng, cũng chỉ là để mọi người thân được vui vẻ, để một cái Tết sum vầy với những điều tốt nhất trong khả năng. Nếu như coi đó là áp lực sẽ cảm thấy nặng nề, còn nếu coi Tết như là một dịp để quây quần, để nghỉ ngơi, làm tới đâu thì tới, miễn sao vui vẻ, hạnh phúc là được, thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng.

Ở mỗi giai đoạn, mỗi độ tuổi sẽ có những áp lực khác nhau khi Tết về.

Ở mỗi giai đoạn, mỗi độ tuổi sẽ có những áp lực khác nhau khi Tết về.

“Tết mình nghĩ nên là dịp để hàn huyên, nghỉ ngơi, quây quần, không nên để tổ chức ăn uống quá linh đình, rượu chè gây áp lực cho những người phụ nữ phải dọn dẹp”, Phạm Thị Hồng Anh (29 tuổi, Hưng Yên) nói.

“Mình đón Tết với tâm thế về nhà là vui, bố mẹ cũng không đòi hỏi là phải "mang tiền về cho mẹ”, mà từ trước đến giờ mình thường chủ động có bao nhiêu thì đưa, hoặc sẽ chuẩn bị những món quà ý phù hợp, mua đồ về để Tết cả nhà ăn, nhậu”, chị Quế chia sẻ.

Chưa lập gia đình nên chị Quế thường được người thân hỏi thăm về chuyện tình cảm riêng. Tuy nhiên, chị vẫn luôn suy nghĩ tích cực, chưa từng tạo áp lực cho mình về chuyện này. Mỗi khi nhận được câu hỏi như vậy, chị lại tùy cơ ứng biến, trả lời chung chung, kèm theo chút hài hước để mọi người thoải mái.

“Mỗi người có một góc nhìn khác nhau, quan điểm khác nhau, nhưng Tết là dịp gia đình sum họp, họ hàng thăm hỏi, sẻ chia thì cứ tận hưởng thời gian nghỉ ngơi và trao nhau vui vẻ, yêu thương, những điều tích cực nhất thôi. Ai cũng trải qua từng bậc cảm xúc. Trước khi suy nghĩ được thoải mái như vậy, thì mình cũng đã từng bị phản ứng gay gắt, hoặc stress khi không tự cân bằng được”, chị Quế tâm sự.

Nguyễn Văn Thắng (26 tuổi, Vĩnh Long) rất hào hứng chờ Tết về. Có lẽ do khác biệt vùng miền, Thắng rất ít khi được nghe những câu hỏi về chuyện tình cảm cá nhân, và quan điểm chung của gia đình Thắng chỉ là “con cháu về đông đủ là vui rồi”.

“Tôi không quá áp lực khi Tết về, một phần do còn độc thân chưa phải lo cho gia đình riêng, họ hàng nội ngoại nên còn thoải mái. Chỉ cần Tết mang chút quà về biếu ba mẹ và người thân là vui rồi. Nếu đã có gia đình chắc sẽ có nhiều nỗi lo hơn. Tuy nhiên, Tết một năm có một lần, tôi nghĩ chúng cần cân nhắc, lựa chọn cũng như dung hòa để có thể cũng gia đình đón một năm mới an lành”, Thắng nói.

Tết là dịp tuyệt vời để mọi người cùng chia sẻ, cùng nhìn nhận lại năm cũ đã qua và cùng trao nhau sự yêu thương. Tuy rằng sẽ có những áp lực nhất định, nhưng chỉ cần thay đổi tâm thế, cân bằng mọi chuyện thì Tết vẫn sẽ là dịp nghỉ lễ được nhiều người mong chờ.

Mỗi người đều có một quan điểm riêng, góc nhìn riêng nên chúng ta hãy quay lại một góc nhìn chung về sự yêu thương, sự trao gửi, về tình cảm thân thiết giữa những người thân trong gia đình và xem đó là sự tận hưởng mỗi dịp Tết về.

Mong rằng, năm mới đến, mọi người sẽ luôn giữ được nụ cười trên môi, nhiều sức khỏe và có thêm nhiều trải nghiệm mới.

Đọc thêm