Cách nhận biết ngộ độc rượu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu; uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…)
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu chứa cồn methanol đang lọc máu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu chứa cồn methanol đang lọc máu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn

Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…

Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Mặt khác, theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm trước trong và sau Tết Nguyên đán, đơn vị thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc rượu.

Có những trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không thở được, các bác sĩ đã phải đặt ống thở máy và sử dụng các biện pháp hồi sức…

Hay một trường hợp khác, uống nhiều rượu bỏ bữa không ăn, sau đó không ăn dẫn đến hạ đường huyết, suy hô hấp… tất cả những trường hợp này đều dẫn đến tổn thương não rất nặng nề.

Cá biệt có những trường hợp gia đình xin về vì não tổn thương nhiều không thể hồi phục được. Hoặc có những trường hợp di chứng sau đó như hôn mê kéo dài.

Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu; uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…)

Đáng chú ý, theo bác sĩ Nguyên, cồn công nghiệp methanol là hóa chất không được sử dụng trực tiếp cho con người. “Đây là hóa chất rất độc. Nếu không may uống phải rượu có chứa cồn công nghiệp methanol thì lúc đầu người uống cũng có những dấu hiệu như rượu thông thường.

Cụ thể, người uống vẫn cảm thấy say, tuy nhiên sau đó, chúng sẽ chuyển hóa thành những chất độc hơn như: axitformic (gây tổn thương mắt, tổn thương não…)”, bác sĩ Nguyên cho biết.

Đặc biệt, những trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol có tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu được điều trị tích cực tại những trung tâm lớn thì tỷ lệ tử vọng vẫn ở mức 30% còn ở những vùng sâu, vùng xa tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%. Phần lớn các trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol đều có di chứng mù mắt hoặc mờ mắt, thị lực kém.

Cách nhận biết ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol

Theo bác sĩ Nguyên những trường hợp ngộ độc rượu nhẹ, bệnh nhân vẫn nói được, ngồi được thì cần theo dõi thêm. Còn những trường hợp nặng như bệnh nhân không nói được, không ngồi được, lơ mơ, thở khò khè, ứ đọng đờm… cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

“Với việc nhận biết ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol cực kỳ khó khăn. Bởi khi người uống uống loại rượu này, ngày đầu tiên cũng say, ngày thứ 2 thứ 3 bắt đầu có những biểu hiện như: mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, lẫn lộn… thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Nhưng thực ra lúc này đã muộn rồi”, bác sĩ Nguyên nói.

Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân nên hạn chế uống rượu, uống ít nhất có thể và ăn uống đầy đủ sau uống rượu. Đặc biệt, phải cảnh giác với các loại rượu không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Đọc thêm