Vàng da là biểu hiện thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh. Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Anh Tiên - Khoa sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, vàng da vàng mắt là do tích tụ chất gây vàng da (tên y học gọi là bilirubin), do tăng phá hủy hồng cầu phôi thai, do giảm chức năng của các men chuyển hóa hoặc do tăng chu trình sản xuất/hấp thu chất bilirubin ở ruột và gan.
Trong một số trường hợp, lượng bilirubin trong máu tăng quá cao, tích tụ lên não, gây ngộ độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân), có thể gây tử vong hoặc di chứng tâm thần vận động về sau.
Vàng da được coi là sinh lý khi trẻ vàng da nhẹ từ 3-10 ngày tuổi, bú tốt, không có yếu tố nguy cơ, không có triệu chứng khác đi kèm.
Trẻ có nguy cơ vàng da nhiều như trẻ non tháng, có khối máu tụ, có bướu huyết thanh ở đầu, trẻ đỏ da (đa hồng cầu), trẻ bị nhiễm trùng,…, trẻ có các triệu chứng khác đi kèm như bỏ bú, li bì, co gồng,..là những dấu hiệu nặng, cần phải được khám ngay.
ThS.BS. Nguyễn Thị Anh Tiên hướng dẫn, để phát hiện vàng da, mẹ nên nhìn bé bằng ánh sáng mặt trời (không nên nằm phòng tối và nhìn trẻ bằng ánh sáng đèn sẽ không phát hiện kịp thời), nhìn bé mỗi sáng để phát hiện mức độ vàng da (ít nhất là liên tục trong 2 tuần đầu sau sinh). Vàng da là bệnh lý khi vàng da sớm từ 1-2 ngày tuổi, vàng da tăng nhanh mỗi ngày, hoặc vàng da nhiều (vàng da đến cẳng tay, cẳng chân).
"Chăm sóc trẻ vàng da ở nhà không có gì đặc biệt. Phơi nắng có ít tác dụng làm giảm vàng da, nhưng giúp người chăm sóc trẻ phát hiện và theo dõi vàng da. Trẻ vàng da bệnh lý cần phải được khám và điều trị tại bệnh viện", ThS.BS. Nguyễn Thị Anh Tiên khuyên.