Tuy nhiên, kế hoạch xâm nhập của họ đã bị quân và dân miền Bắc đập tan, khiến CIA mất mặt.
Chiến dịch Quang Khê
Trong cuốn “Cuộc chiến bí mật - Hồ sơ Lực lượng đặc biệt Quân đội Việt Nam cộng hòa” của Vũ Đình Hiếu có ghi lại sự kiện này.
Ngày 16/2/1962, tàu ngầm Catfish của Hải quân Mỹ do thám vùng biển Bắc Bộ và phát hiện trong căn cứ Quảng Khê (Quảng Bình) có ba chiếc Swatow đang bỏ neo, tàu ngầm Catfish kiểm tra lại tin tức tình báo và báo cáo về trung tâm tại thủ đô Manila, Philippines và văn phòng CIA tại Sài Gòn. CIA lập tức phác thảo kế hoạch sử dụng người nhái phá hủy những chiếc tốc đỉnh của Hải quân Bắc Việt.
Cùng thời điểm tháng 4/1962, Phòng 45 quyết định thành lập toán cảm tử quân người nhái do Đài Loan huấn luyện, mang mật danh Vulcan. Họ được đưa đến Đà Nẵng huấn luyện cách đặt mìn phá tàu.
Sau khi xác định được mục tiêu, theo thông tin của tàu ngầm Catfish cung cấp, toán người nhái Vulcan cùng với 10 thủy thủ lên chiếc tàu Nautilus 2, hướng ra hải phận Bắc Bộ. Chiếc Nautilus 2 thả neo ngoài khơi trước của sông Gianh, để cho 4 cảm tử quân chèo thuyền vào căn cứ thám thính. Sau khi xâm nhập, bốn người này quay ra, báo cáo rất yên tĩnh.
Đại úy Hà Ngọc Oanh, với mật danh Antoine, từng phục vụ 2 năm tại Phòng 45, đã nhận lệnh tấn công những chiếc tốc đỉnh Swatow vào ngày 28/6/1962. Trong buổi thuyết trình kế hoạch hành quân, với sự hiện diện của hai nhân viên CIA và ảnh chụp căn cứ hải quân Quảng Khê, Đại úy Hà Ngọc Oanh đã trình bày kế hoạch tấn công và đường rút lui trước các cảm tử quân người nhái được chỉ định tham gia phi vụ.
Theo kế hoạch, các cảm tử quân từ chiếc Nautilus 2 xuống thuyền gỗ, chèo vào bờ theo hướng cửa sông Gianh. Vì chỉ có ba chiếc Swatow trong căn cứ Quảng Khê nên người nhái thứ 4 là Nguyễn Chuyên sẽ ở lại giữ xuồng và làm dự bị.
Ba cảm tử quân trong bộ đồ người nhái sẽ bơi vào căn cứ, gắn mìn vào ba chiếc Swatow, rồi rút êm. Sau buổi thuyết trình, mọi người chúc rượu, tiễn đưa đến tận khuya. Những người nhái thực thi phi vụ được đưa vào mật cứ riêng biệt để đảm bảo bí mật hoàn toàn.
Gián điệp bị công an vũ trang tỉnh Quảng Bình bắt giữ. Ảnh tư liệu |
Đổ bể
Đúng 20 giờ 30 phút ngày 29/6/1962, toán người nhái lên tàu xuất phát. Đêm hôm sau, họ đã nằm ngoài khơi hải phận Bắc Việt và tiến dần tiếp cận mục tiêu. Trước nửa đêm ngày 30, chiếc Nautilus 2 tắt cả hai máy, hạ thủy chiếc thuyền gỗ có gắn động cơ. Các cảm tử quân lặng lẽ xuống thuyền, chạy thẳng vào bờ.
15 phút sau, Lê Văn Kính nhìn thấy cửa sông Gianh. Toán người nhái dự tính sẽ thực thi xong phi vụ trong vòng hai giờ đồng hồ, đủ thời gian bơi vào mục tiêu đặt mìn, rồi bơi trở lại thuyền. Hợp đồng với đồng sự xong, Lê Văn Kính kéo kính che mắt lại rồi trườn xuống nước, theo sau là Nguyễn Hữu Thao.
Khi Nguyễn Hữu Thao đang gắn quả mìn vào lườn tàu Swatow mang số hiệu 185 thì trật tay, quả mìn phát nổ, Thao chết ngay tức khắc. Kính đã đặt xong quả mìn, bơi ra xa chiếc Swatow chừng 20m, trồi lên khỏi mặt nước đúng lúc quả mìn của Thao phát nổ. Sức ép của quả mìn khiến anh ta tức ngực, chân tê dại, trôi vật vờ trên mặt nước và bị bắt.
Ngồi đợi ngoài thuyền, Nguyễn Chuyên cùng 2 thợ máy hoảng hốt khi trông thấy quả mìn phát nổ. Hải quân Bắc Việt phát hiện thấy chiếc thuyền nhỏ đợi ở ngoài xa, liền cho tàu đuổi theo. Chiếc thuyền cuống cuồng chạy ra khơi trong làn đạn truy đuổi, hướng về chiếc Nautilus 2. Khi đến được chiếc Nautilus 2, Chuyên trúng đạn bị thương.
Sau khi đặt mìn xong, người nhái thứ ba là Nguyễn Văn Tâm bơi trở lại thuyền, rồi quả mìn thứ nhất phát nổ, chiếc thuyền vọt mất và Tâm bị bỏ rơi. Anh ta lấy một chiếc thuyền của một ngư dân, định chạy ra biển. Nhưng mới leo lên thuyền, anh ta đã rơi vào tay lực lượng tự vệ địa phương. Căn cứ hải quân Quảng Khê lại phát nổ, chiếc Swatow 185 chìm ngay.
Trong lúc hỗn loạn, chiếc Swatow 161 chạy ra biển đuổi theo chiếc thuyền gỗ và phát hiện ra chiếc Nautilus 2. Trên tàu Nautilus 2, các thủy thủ cố cầm cự với đại liên, rồi tháo chạy về hướng nam. Đến 6 giờ sáng hôm sau, chiếc Nautilus 2 bị trúng đạn, hỏng máy, đành nằm chờ chết. Không bỏ lỡ cơ hội, chiếc Swatow 161 bắn chiếc Nautilus 2 tan tành.
Người nhái Nguyễn Chuyên thoát chết đợt đầu, nay cùng chung số phận với các thủy thủ còn lại. Sau khi chiếc Nautilus 2 bị bắn chìm, 10 người nhái sống sót được chiếc Swatow 161 vớt lên, bắt làm tù binh.
Tuy nhiên vẫn sót một người nhái là Nguyễn Văn Ngọc trốn trong chiếc tàu đang chìm, không ai hay biết. Sau khi chiếc Swatow 161 đi khỏi, anh ta trôi vật vờ qua vĩ tuyến 17, được phi cơ tuần tiễu phát hiện và cứu sống.
Ngày 21/7/1962, Hà Nội đưa toán biệt kích hải quân Sài Gòn ra xét xử công khai. Đây là lần thứ hai Bắc Việt xét xử những tội phạm là biệt kích và có kẻ đã bị phạt tù chung thân. Thất bại này khiến cho CIA mất mặt. Phải một năm sau, họ mới toan tính tổ chức tiếp những đợt tập kích phá hoại ở vịnh Bắc Bộ.
Về sự kiện này, lịch sử Quảng Bình đã xác nhận như sau: “Đêm 29, rạng ngày 30/6/1962, địch dùng thuyền máy chở một toán biệt kích gián điệp ra cửa sông Gianh, dùng xuồng cao su chở 16 tên biệt hải liều lĩnh đột nhập cảng Gianh. Toán biệt kích tìm cách đặt mìn, phá tàu của Hải quân.
Đồn CANDVT Thanh Khê nhận được tin có gián điệp đã nhanh chóng triển khai lực lượng theo phương án hiệp đồng chiến đấu với Hải quân, dân quân huyện Bố Trạch, tự vệ ngư trường sông Gianh.
Vòng vây trên bờ, dưới nước khép chặt bằng thế trận liên hoàn, những loạt súng nổ đanh thép đã tiêu diệt tại chỗ 3 tên địch. Ca nô chở toán biệt kích rút ra biển, nhưng vòng vây ngoài biển tiếp tục khép lại khi tàu hải quân ta lao ra chặn đường gọi hàng. Bọn biệt kích chống trả quyết liệt và bị tàu Hải quân của ta húc chìm, bắt sống toàn bộ 13 tên”.
Một toán người nhái VNCH trong khóa huấn luyện |
Thêm những phi vụ mới
Đến cuối mùa hè 1962, toán người nhái SEAL chuyên huấn luyện của Hải quân Mỹ đã huấn luyện xong cho 4 toán biệt kích hải quân Sài Gòn. Trong bốn toán thì Neptune là người nhái. Toán Cancer gồm toàn biệt kích quân là người dân tộc Nùng, được tuyển chọn từ Sư đoàn bộ binh 5. Người tổ chức ra các toán biệt kích biển là Gougleman.
Theo yêu cầu của Gougleman, Hải quân Mỹ bàn giao 2 chiếc tàu tuần tiễu phóng thủy lôi mác PT-810, PT-811 cho Trung tâm hành quân biển (Marops, Maritime Operation). Hai chiếc tàu này khi đến Đà Nẵng được đổi tên thành PTF-1 và PTF-2.
Trong lúc đó, CIA đã đặt mua hai chiếc tàu Nasty của Na Uy, đem về đặt tên là PTF-3 và PTF-4. CIA cũng thuê hẳn người Na Uy lái tàu. Theo đó, ba thủy thủ Na Uy đã đến Đà Nẵng với thời hạn hợp đồng 6 tháng, có biệt danh là “Viking”.
Ngày 15/12/1962, một chiếc PTF hướng ra biển Bắc Bộ, đem theo toán người nhái Neptune. Trước khi đến mục tiêu, chiếc tàu … bị lạc hướng, phải quay về Đà Nẵng, hủy bỏ phi vụ xâm nhập. CIA đợi đến ngày 14/1/1963 mới thực thi 2 phi vụ cùng một lúc.
Hai chiếc Swift rời bến, chạy song song cho đến vĩ tuyến 17 mới tách ra. Một chiếc hướng về những nhà máy, công xưởng dọc theo bãi biển gần thị xã Đồng Hới. Chiếc thứ hai tiếp tục chạy thêm 18km nữa đến cửa Ròn thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đúng lúc mặt trời lặn, toán biệt kích biển tấn công Đồng Hới (biệt danh Zeus) chèo xuồng cao su vào bờ, đặt dàn hỏa tiễn nhỏ, lắp kíp nổ hẹn giờ do CIA chế tạo, hướng vào nhà máy rồi rút trở lại chiếc Swift. Trước khi quay về, họ còn thả xuống biển thêm mấy thùng truyền đơn tuyên truyền chống phá chế độ Bắc Việt, để sóng đánh trôi dạt vào bờ.
Khi cách mục tiêu chừng 19km, viên thuyền trưởng người Na Uy trông thấy có chiếc tàu từ hướng bắc chạy ngược chiều bèn chạy vòng vo để tránh. Do vậy, khi nhóm biệt kích thứ 2 (mật danh Charon) đến mục tiêu thì chậm mất mấy giờ đồng hồ.
Charon xuống thuyền cao su hướng về cửa Ròn. Khi gần đến cửa Ròn, toán người nhái lắp chân nhái bơi vào bờ theo từng cặp hai người. Một cặp sẽ bơi vào bờ phía bắc, cặp khác đến bờ phía nam cửa sông Gianh.
Run rủi thế nào, một cặp bất ngờ gặp phải một chiếc tàu đi ra. Do lòng sông cạn, nhiều bùn, hai người nhái sợ người trên chiếc tàu nọ trông thấy, vội vã bơi trở lại chiếc thuyền cao su đang đợi ở cửa biển. Cặp người nhái thứ hai biến mất, không thấy trở lại.
Viên thuyền trưởng người Na Uy vẫn gắng đợi cho đến khi mặt trời lặn. Lúc nổ máy, bỗng ông ta phát hiện có đèn hiệu chiếu ra từ bờ. Viên thuyền trưởng liều mạng lái chiếc Swift chạy vào bờ, vớt hai người nhái bị cho là mất tích từ lúc chiều. Coi như nhiệm vụ đã xong, họ hướng tàu về căn cứ xuất phát ở Đà Nẵng...