“Cải lương còn, hồn Việt còn”

(PLVN) - Những chiếc ghế không còn chỗ trống, những tràng pháo tay không ngớt với từng tiết mục cải lương, khán giả cùng khóc, cười với nhân vật, 12 giờ đêm, khán phòng vẫn rổn rảng lời ca, tiếng hát, cánh màn nhung không muốn khép lại... 
Vở cải lương “Lan và Điệp”
Vở cải lương “Lan và Điệp”

Các nghệ sĩ trong đêm diễn ca cảnh cải lương trong show “Thánh đường sân khấu” tại Nhà hát Chèo Kim Mã, Hà Nội, ai nấy đều xúc động trước tình cảm của khán giả Thủ đô với loại hình sân khấu cải lương cũng như các nghệ sĩ miền Nam.

Các đêm diễn cải lương miền Nam “đổ bộ” ra Bắc

Ca cảnh cải lương trong show “Thánh đường sân khấu” với những bài ca cổ qua cách thể hiện mỗi tiết mục được viết như một câu chuyện: bài ca vọng cổ kết hợp với các ca khúc bolero; bài ca cổ kết hợp dân ca Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ…

“Thánh đường sân khấu” còn nhấn mạnh nghệ thuật của sân khấu cải lương tuồng cổ với các trình thức vũ đạo đặc trưng. Kép văn, kép võ, đào thương…  có những trình thức ra sao; người nghệ sĩ phải rèn luyện như thế nào mới có thể diễn được cải lương tuồng cổ...

NSƯT Kim Tử Long tâm đắc với câu hỏi mà anh trăn trở: “Mấy chục năm nữa, Thánh đường sân khấu sẽ đi về đâu?”. Chính vì vậy, Kim Tử Long có màn hóa trang cấp tốc từ một kép đẹp trở thành một  kép lão về chiều ở tuổi 74 với những hoài niệm về nghiệp hát, đau đáu về tương lai của sân khấu…

Những câu chuyện lịch sử hào hùng nhưng đầy uẩn khúc, bi thương được thể hiện qua giọng ca khi dữ dội, lúc ngọt ngào của Kim Tử Long và các nghệ sĩ. NSƯT Kim Tử Long cho hay: “Thời gian gần đây, sân khấu cải lương đang có tín hiệu vui, nhiều đoàn cải lương xã hội hóa liên tục tổ chức các đêm diễn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả.

Đó là điều khiến người làm nghề vui sướng và hạnh phúc, vì vậy tôi muốn có nhiều live show như hòa chung niềm vui vào không khí này. Tôi không dám tuyên bố to tát gì nhưng đang hết sức nỗ lực để có một đêm diễn khiến khán giả, đặc biệt khán giả trẻ có cái nhìn thiện cảm, mới  vì cải lương được đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu”.

Sau các đêm diễn thành công ở TP HCM và Đà Nẵng, vở cải lương kinh điển “Lan và Điệp” sẽ lần đầu tiên đến với khán giả Thủ đô trong chuỗi chương trình “Tài danh đất Việt”. Chương trình sẽ diễn một đêm duy nhất vào lúc tối ngày 23/11/2019 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).

Chuyện tình Lan và Điệp trong tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan được chuyển thể thành vở cải lương lần đầu năm 1936, do soạn giả Trần Hữu Trang thực hiện và nghệ sĩ Năm Phỉ, Thanh Nga... diễn xuất.

Năm 1974, soạn giả Loan Thảo dựng lại với các giọng ca: Chí Tâm ( vai Điệp), Thanh Kim Huệ (vai Lan), Tú Trinh (vai Thúy Liễu), Hữu Phước (vai ông Tú - ba của Lan)... Đến nay, đây được xem là bản thu âm chuẩn mực nhất của tác phẩm.

Sau 45 năm, vở cải lương kinh điển này được đạo diễn Gia Bảo dàn dựng trên sân khấu. Không chỉ mang phiên bản thu thanh đầu tiên vào năm 1974 giới thiệu với khán giả, đạo diễn Gia Bảo còn mời được nữ NSƯT Thanh Kim Huệ hóa thân vào vai Lan và nghệ sĩ hải ngoại Chí Tâm vào vai Điệp.

Đây cũng là vai diễn đã làm nên tên tuổi của 2 nghệ sĩ này, biến họ từ nghệ sĩ triển vọng thành những giọng ca hạng nhất thập niên 70 của thế kỷ trước. Không chỉ nổi tiếng ở trong nước, Lan và Điệp của Thanh Kim Huệ và Chí Tâm còn nức danh ở hải ngoại với bản thu âm của hãng đĩa Việt Nam.

NSƯT Thanh Điền cố vấn là một chương trình nghệ thuật quy mô lớn, được dàn dựng theo phong cách cải lương xưa của thời hoàng kim, kết hợp khéo léo cùng màn hình Led, khói lạnh, vũ đoàn, phục trang... Không đơn thuần là trích đoạn hay những bài tân cổ, chương trình được dàn dựng công phu, chất lượng với nguyên vở cải lương dài 3 tiếng đồng hồ với đầy đủ ca nhạc, hài, bi đan xen.

 

Cải lương miền Bắc làm “cuộc cách mạng” “thả thính” khán giả

Vắng khách tới rạp thưởng thức nghệ thuật truyền thống là câu chuyện không hề mới. Để cứu vãn tình hình ảm đạm, nhiều nhà hát đã làm “cuộc cách mạng”... “thả thính” khán giả. 

Không chỉ có nghệ thuật cải lương miền Nam “thay da, đổi thịt”, những năm qua, nghệ thuật cải lương ở phía Bắc luôn nỗ lực “trình làng” những vở diễn mới, đạt chất lượng để “câu” khán giả. Một thế hệ đạo diễn trẻ đang nở rộ tài năng một cách mạnh mẽ là yếu tố quan trọng đem đến sự thay đổi căn bản về diện mạo của cải lương đất Bắc. 

Những năm qua, nghệ thuật cải lương ở phía Bắc luôn nỗ lực “trình làng” những vở diễn mới, đạt chất lượng để “câu” khán giả như: “Yêu là thoát tội”, “Khi hoa nở trái mùa”, “Duyên kiếp Bạch Trà”, “Nợ non sông”, “Vú cát”, “Mê cung”, “Con côi họ Triệu”, “Vua Thánh triều Lê”, Hừng đông, Mai Hắc Đế, Vua Phật, Ni sư Hương Tràng… 

 Trước đó, ở cải lương “Vua Phật” với hình mẫu một nhân vật lịch sử - Vua Trần Nhân Tông được Nhà hát Cải lương Việt Nam khởi dựng với kinh phí hàng tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn tiền xã hội hóa. Theo Thạc sĩ, NSND Triệu Trung Kiên làm quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam: “Nhà hát Cải lương Việt Nam đã bắt đầu làm quen với xã hội hóa sân khấu, nhằm khỏa lấp sự thiếu vắng của các tác phẩm cải lương đỉnh cao vì nguồn vốn”.

 Cũng như “Vua Phật”, hai vở diễn “Chuyện tình Khau Vai” và “Mai Hắc Đế” là một minh chứng của những vở diễn được thực hiện không bằng nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước. Theo lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam: “Đặc trưng của nghệ thuật dân tộc, cụ thể là cải lương là kén giả giả, kén người xem. Do vậy, mục đích khi xây dựng vở diễn là làm sao có thể đem đến được cho đông đảo khán giả một câu chuyện dễ hiểu, qua đó tạo điều kiện cho mọi người dễ tiếp thu hơn với nền văn hóa cổ truyền như cải lương hiện nay”. 

Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có rất nhiều tìm tòi trong việc làm mới sân khấu cải lương. Những vở diễn kết hợp ngôn ngữ điện ảnh, múa hiện đại do đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng thực hiện, dẫu chưa hẳn tạo ra đột phá, nhưng cũng thổi thêm một làn gió mới mẻ vào nghệ thuật này.

Bên cạnh những vở mang màu sắc chính luận, có khả năng “câu nước mắt”, nhà hát này đã cho ra mắt chùm kịch ngắn: Tình yêu qua mạng - Bệnh quảng cáo - Sếp vợ. Mới đây nhất, Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp tục khởi công dựng vở cải lương “Đi tìm Đại vương” dàn dựng theo một phong cách hoàn toàn mới.

Đạo diễn, NSND Tuấn Hải chia sẻ: “Đi tìm Đại vương là vở diễn pha cổ tích, huyền thoại và giai thoại dân gian nên mang rất nhiều màu sắc huyền bí. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề lịch sử mà muốn gợi cho khán giả nhớ đến những nét của Thăng Long xưa bởi Chúa Chổm nổi tiếng với rất nhiều giai thoại về Thăng Long, về phố Cấm Chỉ, về “đi chữ đại, lại chữ vương”, về “sông Tô cờ son nón sắt”... 

Bên cạnh việc khai thác thế mạnh của cải lương với lối diễn xuất ngọt và những bài ca mùi mẫn, ê kíp cũng đã đưa vào đó nhiều tình huống hài, những ca khúc chế theo những bài hát đang “hot” để dễ gây ấn tượng với khán giả. Những vở kịch ngắn tươi mới đã góp phần làm phong phú thêm “thực đơn” nghệ thuật của nhà hát, giúp nhà hát linh động hơn trong các chương trình biểu diễn của mình.

 NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho rằng: “Các vở cải lương hiện nay đều có tiết tấu đẩy nhanh, mạnh, đặc biệt là việc cập nhật thời sự vào trong từng câu hát, lời nói, không chỉ trong những vở đề tài hiện đại mà cả những vở lịch sử, dã sử”.

Sân khấu không thể sống nếu thiếu khán giả, khán giả cũng không thể hào hứng nếu chỉ ăn đi ăn lại một món. Với các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu cải lương nói riêng, đổi mới là yếu tố sống còn. Những đạo diễn cải lương, mỗi người một phong cách nhưng có điểm chung là say nghề, mạnh dạn sáng tạo mà vẫn trau chuốt. Họ mạnh dạn lựa chọn kịch bản gai góc để có những tiếng nói mạnh mẽ về thời cuộc, về thế thái nhân tình. 

Chương trình “Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” do Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức đã thu hút rất đông hội viên tới tham gia và thưởng thức. Nhà hát Cải lương Việt Nam lại “thổi bùng” ngọn lửa yêu môn nghệ thuật này bằng cách ra mắt CLB đờn ca tài tử - cải lương “Khoảng trời phương Nam”. 

Khán giả trẻ đã “phải lòng” cải lương

Rất nhiều khán giả trẻ đã “phải lòng” cải lương. Ví dụ như vở “Yêu là thoát tội” đã nhận được gần trăm suất diễn ở Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang... Vở “Vua Phật” thu hút hàng chục ngàn khán giả tới rạp...

Ngoài “tổng tấn công” bằng chất lượng nghệ thuật, các nhà hát cải lương còn thành lập phòng tổ chức biểu diễn, lập trang web, facebook để giới thiệu thường xuyên về vở mới cùng lịch diễn và điện thoại giao dịch nếu ai có nhu cầu mua vé. Các nhà hát đều cho nhân viên tỏa ra tất cả các nơi, các ngõ ngách để đưa vở diễn đến với công chúng. 

Nghệ thuật cải lương là nét văn hóa truyền thống độc đáo được ra đời trong hành trình mở cõi phương Nam. Cải lương được hình thành từ những nét giản đơn, bình dị nhất của đời sống hàng ngày. Có câu nói: “Cải lương còn, hồn Việt còn”- đó là giá trị cải lương trong tâm thức của người Việt.

Có thể thấy, các nghệ sĩ đã dốc lòng đem tình yêu môn nghệ thuật cải lương lan tỏa tới mọi người. Hơn ai hết, họ mong muốn, cải lương bước sang tuổi 101 luôn được “định vị” trong lòng công chúng để rạp hát luôn đỏ đèn hàng đêm.