Cải lương lịch sử - hướng đi mới bảo tồn cải lương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Con đường “cải lương lịch sử” không dễ để đi. Nhưng nhiều nghệ sĩ đang nỗ lực cống hiến để góp phần gìn giữ giá trị nghệ thuật cổ truyền dân tộc.
Một cảnh trong vở diễn lịch sử “Trung thần”.
Một cảnh trong vở diễn lịch sử “Trung thần”.

Cải lương lịch sử “hút khách” dịp Tết

Dịp Tết vừa qua, Nhà hát Trần Hữu Trang diễn vở kịch cải lương “Tô Hiến Thành xử án” và được người dân ủng hộ nhiệt tình. “Tô Hiến Thành xử án” (kịch bản: Bùi Trọng Nghĩa, Thanh Bạch, Hoàng Sa, Thanh Cao) là một trong những tác phẩm cải lương kinh điển của sân khấu miền Nam. Vở diễn ra đời khoảng năm 1986, do Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ đảm trách.

Tô Hiến Thành xử án xoay quanh câu chuyện tra án nổi tiếng của vị quan thanh liêm Tô Hiến Thành. Bản dựng mới ngoài giữ nguyên những giá trị đã làm nên thương hiệu của vở cải lương kinh điển như hành trình tra án hồi hộp, gay cấn, những đấu đá nội cung và cả bài học về sự đề phòng, cảnh giác trước âm mưu của ngoại bang, còn được phát triển thêm với việc khắc họa nhân vật rõ nét, mang thêm nhiều hơi thở của thở đại và những bài học mới dành cho người trẻ.

Bản dựng mới vừa được công diễn có sự phối hợp dàn dựng của NSƯT Trường Sơn và đạo diễn Lê Nguyên Đạt với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đang được khán giả cải lương mến mộ. Đêm diễn “Tô Hiến Thành xử án” tại sân khấu cải lương Trần Hữu Trang có chưa đầy 1/3 ghế trống. Đối với nghệ thuật cải lương, đây đã là tín hiệu vui cho một vở diễn. Cạnh đó, vở diễn nhận được hiệu ứng rất tốt, từ sự yêu thích của khán giả lẫn đánh giá cao trong giới.

Trước đó, đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã dàn dựng các vở kịch cải lương như Vương đạo – Vua thánh triều Lê, Vương quyền. Hai vở diễn này được nghệ sĩ trẻ “con nhà nòi” Bình Tinh đảm trách vai chính, được khán giả nhiệt liệt ủng hộ. Nghệ sĩ Bình Tinh cũng đã nhận Huy chương Vàng và Huy chương Bạc cho vai diễn trong hai vở tại Liên hoan kịch nói toàn quốc và Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2022.

Đường đi khó nhưng không nản lòng

Thời điểm trước, nghệ thuật cải lương tuồng cổ thường khai thác những vở diễn có nội dung xuất phát từ các tiểu thuyết Trung Quốc. Lý do là những cốt truyện, nhân vật này hấp dẫn, lại đã quen thuộc với khán giả Việt từ văn học cho đến điện ảnh.

Những năm qua, nhiều sân khấu cải lương đã bắt đầu chú trọng đến câu chuyện đưa cải lương về “thuần Việt” với việc tái dựng và dàn dựng mới các vở diễn lịch sử. Trong đó, nhiều sân khấu xã hội hóa đã rất nhiệt tình và dàn dựng nhiều vở diễn lịch sử hay được công chúng yêu mến, như: “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Má hồng soi kiếm bạc”, “Thanh gươm nữ tướng”, “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Trung thần”, “Câu thơ yên ngựa”, “Thủy chiến Bạch Đằng Giang”, “Trung thần”… Giữa năm ngoái, sân khấu cải lương xã hội hóa của NSƯT Vũ Luân dàn dựng vở “Quang Trung hoàng đế” với kinh phí lớn và sẵn sàng “chịu lỗ” để đưa hình ảnh oai hùng của Vua Quang Trung lên sân khấu cải lương.

Một trong những người “máu lửa” với cải lương lịch sử là vợ chồng nữ nghệ sĩ - đạo diễn Linh Huyền và Richard di San Marzano – họa sĩ người Ý. Họ không những lập công ty chuyên về đào tạo thế hệ nghệ sĩ cải lương kế cận mà tổ chức nhiều show diễn cải lương xoay quanh các danh nhân Việt. Có thể kể đến các vở diễn Bà chúa thơ Nôm, Sương Nguyệt Ánh, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Toản, Đoàn Thị Điểm… Hướng đến phục vụ đối tượng sinh viên, học sinh, các vở diễn hầu như đầu phải bù lỗ, thậm chí lỗ đến một nửa, nhưng vợ chồng nữ nghệ sĩ vì tình yêu với cải lương, với lịch sử nước nhà vẫn kiên trì hành trình của mình.

Có thể thấy nhiều cái khó của việc thực hiện các vở cải lương lịch sử. Kinh phí đầu tư của cải lương lịch sử rất cao, cao hơn nhiều so với cải lương tâm lý xã hội thông thường. Cạnh đó, làm cải lương lịch sử phải đảm bảo tôn trọng lịch sử bằng các yếu tố chủ chốt trong cốt truyện, đồng thời về bối cảnh, trang phục cũng phải có những nghiên cứu nhất định. Nhưng chỉ đảm bảo tái hiện một giai đoạn, một câu chuyện lịch sử thôi là chưa đủ. Kịch cải lương sử Việt còn phải “thổi” vào đó hơi thở của thời đại, phải lồng ghép những câu chuyện phù hợp với nhân sinh quan, với thời sự và các vấn đề nóng hổi thời đại thì mới thu hút người xem được. Sự lồng ghép ấy không chỉ nằm trong cốt truyện mà còn ở cách xây dựng tính cách nhân vật, cách thức biểu diễn...

Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, con đường “cải lương lịch sử” chắc chắn không dễ để đi. Nhưng anh đã và sẽ nỗ lực để cống hiến thêm nhiều vở kịch cải lương hay cho công chúng. Lê Nguyên Đạt cũng hy vọng sắp tới làng sân khấu sẽ cho ra mắt nhiều vở cải lương lịch sử chất lượng, thu hút công chúng. Hiện anh đang làm việc với một số đoàn cải lương để hướng đến phát triển mảng cải lương lịch sử.

Bước chân vào địa hạt cải lương, nhất là cải lương lịch sử rất “kén” người xem, từ người đầu tư, người viết kịch bản đến đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn đều phải nỗ lực hết mình và chịu nhiều thiệt thòi. Ngoài được thỏa mãn đam mê nghệ thuật thì những tràng vỗ tay của khán giả chính là sự khích lệ lớn đối với cống hiến của các nghệ sĩ.