Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Cần quyết liệt, triệt để hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày qua, nhiều trạm quan trắc cho kết quả đo chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu, thậm chí gây nguy hại đến sức khỏe. Ô nhiễm không khí đã trở thành nỗi lo thường trực của người dân Thủ đô nhiều năm nay.
Chất lượng không khí Hà Nội mấy ngày qua liên tục ở mức xấu. (Nguồn ảnh: Cổng thông tin quan trắc môi trường)
Chất lượng không khí Hà Nội mấy ngày qua liên tục ở mức xấu. (Nguồn ảnh: Cổng thông tin quan trắc môi trường)

Chất lượng không khí liên tục ở mức báo động

Vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội liên tục cho kết quả ở mức xấu. Điển hình, vào ngày 30/12, thông tin từ ứng dụng IQAir ghi nhận mức ô nhiễm không khí Hà Nội cao thứ 3 trên thế giới, ở mức 216, rất nguy hại cho sức khỏe của con người. Trước đó, sáng 28/12, theo ứng dụng PAM Air, chất lượng không khí một số khu vực của Thủ đô Hà Nội ở mức nguy hiểm tới sức khỏe. Trong tháng 12, Hà Nội cũng liên tục có tên trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Khi chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cảnh báo, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng ở Thủ đô đã xuất hiện từ nhiều năm nay, với nhiều nguyên nhân như từ các hoạt động của con người và thời tiết, khí hậu. Các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu là một trong những nguyên nhân chính. Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó còn có tình trạng nhiều cơ sở tái chế trong thành phố không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường; một loạt các công trình tại Hà Nội được xây dựng và sửa chữa như đường, cầu, cống, nhà ở nhưng không được che bụi bẩn cẩn thận; hay tình trạng đốt rác vẫn còn xảy ra nhiều. Đặc biệt, vào mùa đông, thời tiết ẩm thấp, gió rất lặng nên bụi mịn có thể luẩn quẩn dưới tầng thấp, khiến Hà Nội có nhiều ngày không khí bị ô nhiễm nặng hơn.

Nhiều người dân Thủ đô đã quan tâm đến việc theo dõi chỉ số chất lượng không khí hàng ngày để bảo vệ sức khỏe. Nếu mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều người đã ý thức được nên hạn chế ra ngoài đường, ở trong nhà cũng phải đóng cửa. Nếu buộc phải ra đường, họ luôn trang bị khẩu trang, kính mắt, sau đó về nhà cũng phải rửa mắt, mũi, miệng thật sạch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng vẫn gây ra tâm lý lo lắng với không chỉ người dân Hà Nội mà với cả du khách trong nước và quốc tế. Tình trạng này đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ hơn để cải thiện môi trường sống tại Thủ đô.

Cần giải pháp toàn diện để kiểm soát nguồn thải

Các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp để kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn và tăng cường thông tin đến người dân, nhất là vào những thời điểm chất lượng không khí có diễn biến xấu hơn.

Đơn cử, Cục Kiểm soát ô nhiễm đã đề xuất giải pháp tới các địa phương như: tăng cường tần suất quan trắc không khí, công bố kết quả trên cổng thông tin điện tử để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể tiếp cận và đưa tin khuyến cáo người dân áp dụng các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm có hoạt động ngoài trời. Hoặc tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải, đặc biệt là nguồn từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, khu vực công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp. Mặt khác, cơ quan chức năng tại địa phương cần tăng cường vận động Nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh…

Thực tế cho thấy, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô rất phức tạp, đòi hỏi sự quyết liệt hơn trong quản lý và nhiều giải pháp toàn diện, triệt để hơn nữa. Đây là nhiệm vụ khó nhưng rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như bảo đảm các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác không bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cho rằng, để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là xây dựng quy định đối với môi trường không khí; đồng thời tăng cường kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn; khuyến khích phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chất lượng môi trường không khí đối với sức khỏe đến cộng đồng… Một giải pháp quan trọng khác là cần có cơ chế cụ thể để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quy trình xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí; phát huy vai trò kiểm tra, kiểm soát của cộng đồng đối với các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là các dự án mới xây dựng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bài học từ những thành phố từng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí rất nặng như Bắc Kinh (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ) và Mexico cho thấy, nhờ sự cố gắng, chung tay của tất cả các bên như chính quyền, Nhân dân, doanh nghiệp, chỉ số chất lượng không khí đã được cải thiện rất nhiều qua các năm.

Đọc thêm