Cải thiện hệ thống luật pháp và thể chế vì người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia hòa nhập cộng đồng cũng như các cơ hội về giáo dục, việc làm và học nghề… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số rào cản khó khăn đối với người khuyết tật hiện nay, đòi hỏi cần tiếp tục cải thiện hệ thống luật pháp và thể chế.
Khoảng 19.000 NKT có hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề hàng năm. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)
Khoảng 19.000 NKT có hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề hàng năm. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)

Rào cản với người khuyết tật

Tháng 8 vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội nghị tổng kết “Dự án phát triển mô hình đào tạo nghề cho người khuyết tật do chất độc da cam, tại TP HCM”. Tại Hội thảo, ông Suzuki Hajime - Chủ tịch Cơ quan Phát triển Môi trường Quốc tế Nhật Bản (IEIO), Trưởng Dự án phát triển mô hình đào tạo nghề cho người khuyết tật (NKT) do chất độc da cam cho biết, đây là dự án đào tạo nông nghiệp cho NKT do chất độc da cam tại TP HCM tập trung vào phương pháp, kỹ thuật trồng trọt, canh tác để từ đó có thể tự thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Dự án đã đào tạo thành công 4 kỹ sư nông nghiệp, 6 nhân viên y tế (điều dưỡng) và đang triển khai thí điểm ở trang trại thực nghiệm trồng rau sạch trên 1.000m2 tại Làng Cam, huyện Hóc Môn. Các sản phẩm sau thu hoạch được bán trực tiếp cho người tiêu dùng, từ đó tái đầu tư và làm nơi nghiên cứu, học tập cho NKT do chất độc da cam tại thành phố cũng như các tỉnh, thành phố lân cận.

“Việc tự trồng trọt, canh tác nông nghiệp sẽ giúp NKT có thu nhập, hạn chế sống phụ thuộc vào gia đình; tích cực hòa nhập vào thiên nhiên, tham gia các hoạt động cộng đồng xã hội góp phần kéo giảm bệnh tật. Đây cũng chính là nỗ lực vượt khó của NKT, từ đó tự khẳng định khả năng tham gia vào lực lượng lao động và đóng góp cho xã hội phát triển”, ông Suzuki Hajime cho biết.

Đây là một trong những “điểm sáng” trong vấn đề dạy nghề và tạo sinh kế cho NKT, tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy không phải địa phương nào cũng có nhiều “điểm sáng” như vậy trong vấn đề này. Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam hiện có trên 7 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Hàng năm, khoảng 19.000 NKT hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề, tạo việc làm. Các đơn vị cũng đã giới thiệu việc làm cho trên 20.000 lượt NKT với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng gần 40.000 NKT được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi…

Tại Hội thảo “Tăng cường năng lực về vận hành dịch vụ hòa nhập khuyết tật” do Hội NKT TP Hà Nội phối hợp với Tổ chức Global Civic Sharing (GCS) tổ chức ngày 17/8, chia sẻ về những rào cản hiện nay NKT đang gặp phải, bà Đỗ Thị Huyền - Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho NKT tham gia hòa nhập cộng đồng cũng như các cơ hội về giáo dục, việc làm và học nghề… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số rào cản khó khăn và thách thức đối với NKT hiện nay. Đó là dù Hà Nội đã có những công cụ hỗ trợ cho NKT tham gia, tiếp cận giao thông như xe buýt miễn phí, nhưng không phải NKT nào cũng có thể đi được xe buýt. Hoặc NKT đi từ nhà đến điểm xe buýt khá xa, trong khi những điểm xe buýt lại chưa có chỗ để NKT ngồi chờ và với những NKT đi xe lăn cũng rất khó mỗi khi lên, xuống xe buýt. Bên cạnh đó, nhiều công trình công cộng vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn cho NKT có thể tiếp cận được. Do vậy, NKT vẫn phải nhờ sự trợ giúp của người khác khi di chuyển trên những đoạn đường dốc, khó đi…

Lồng ghép nội dung khuyết tật trong dịch vụ công

Đề xuất này đã được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường năng lực về vận hành dịch vụ hòa nhập khuyết tật” mới đây. Giáo sư Park Eul Jong, Giáo sư đại học trực tuyến Hanyang, Ủy viên tổ chức GCS, Giám đốc Quỹ phúc lợi KBS chia sẻ tại Hội thảo về những mô hình và hình thức hoạt động của các dịch vụ hòa nhập khuyết tật tại Hàn Quốc, các chính sách cũng như hệ thống phúc lợi cho NKT tại Hàn Quốc.

Giáo sư Park Eul Jong cho biết, Hàn Quốc hiện có hơn 2,6 triệu NKT, chiếm 5,2 tổng dân số Hàn Quốc. Trong những năm qua, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều các đạo luật hỗ trợ NKT Hàn Quốc. Để có được các chính sách đó không phải một sớm một chiều, mà phải dựa theo sự phát triển kinh tế và về mọi mặt. Đặc biệt, điều quan trọng là nhận thức về NKT, bởi không chỉ giúp đỡ NKT mà làm sao để NKT đều được hòa nhập trong cộng đồng.

Liên quan tới thực trạng NKT tại Việt Nam, Giáo sư Park Eul Jong gợi ý chính sách cho dịch vụ hoà nhập ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần thay đổi trong môi trường xã hội cho NKT, cải thiện hệ thống luật pháp và thể chế, liên kết với phát triển kinh tế quốc gia và tăng thu nhập quốc gia…

Từ góc độ Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội, bà Đỗ Thị Huyền cho biết, khi NKT muốn tham gia càng nhiều vào cộng đồng, giáo dục hoặc nơi làm việc, họ thường gặp phải rào cản càng lớn, vì thế họ cần nhiều sự hỗ trợ hơn. Cần phải lồng ghép nội dung khuyết tật trong các dịch vụ công như: sức khoẻ, giáo dục, dịch vụ việc làm, bảo trợ xã hội... để NKT tiếp cận các dịch vụ, chương trình và các cơ hội, tham gia đầy đủ và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, hoà nhập trên cơ sở bình đẳng với những người khác mà không có sự tách biệt hoặc phân biệt đối xử, bà Huyền nêu đề xuất.

Sớm xây dựng bộ đánh giá, phân loại để chăm sóc trẻ khuyết tật

Theo điều tra dân số năm 2016, tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 2 - 17 tuổi chiếm 2,83%. Trong đó, trẻ từ 2 - 15 tuổi chiếm 3,03% so với tổng số trẻ cùng độ tuổi; trẻ có một dạng khuyết tật chiếm khoảng 80%, còn 20% là trẻ có từ hai dạng khuyết tật. Tỷ lệ trẻ khuyết tật khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cũng theo báo cáo, kết quả khảo sát thực trạng trẻ khuyết tật năm 2020 cho thấy, khoảng 20% số trẻ khuyết tật chưa có giấy xác nhận khuyết tật.

Tại Hội thảo xây dựng giải pháp đánh giá, phân loại dạng tật để có định hướng giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật vừa được Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đồng chủ trì mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện nay Bộ này đã và đang xây dựng tài liệu phục vụ chuyên môn về phục hồi chức năng, giám định, hướng dẫn hệ thống can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật, hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ rối loạn tự kỷ… Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan đánh giá thực trạng hệ thống phục hồi chức năng, hệ thống công nghệ trợ giúp phục hồi chức năng, đánh giá kiểm tra. Kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng của trẻ em khuyết tật trong thời gian tới.

Đọc thêm