Cải thiện môi trường kinh doanh tạo sự công bằng cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, thời gian qua, môi trường kinh doanh đã có cải thiện, tuy nhiên, trên thực tế có thể cải thiện tốt hơn nếu thực sự mong muốn vì lợi ích của doanh nghiệp cũng như xã hội…
Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: VnEconomy)
Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Cơ quan quản lý cần có tư tưởng hỗ trợ hơn

Ông Hoàng Đình Kiên - Tổng Giám đốc Công ty CP Tiếp vận Hoà Phát (TVHP) cho biết, từ góc độ một đơn vị logistics, TVHP nhận thấy môi trường kinh doanh đã cải thiện rất nhiều trong những năm qua và là một trong nhiều đơn vị được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách dành cho khối doanh nghiệp (DN) tư nhân, từ đó đã mạnh dạn đầu tư vào kho bãi tại các địa phương, phục vụ khu công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đầu tư mở rộng đội xe, hiện đã gần 400 xe, tăng trưởng đầu tư tài sản lên đến khoảng 15 lần và doanh thu cũng tăng trưởng tương ứng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều DN vẫn gặp khó khăn, thậm chí rất nhiều khi “gặp vướng” khi làm việc với các cơ quan nhà nước. Ví dụ, một khách hàng của TVHP đầu tư dự án ở một tỉnh, vốn đầu tư tăng từ 3 triệu đô la lên 8 triệu đô la, nhưng phải mất gần 3 tháng mới hoàn tất thủ tục trong khi theo quy định chỉ cần 15 ngày.

“Chúng tôi làm đúng luật, nhưng sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được như mong đợi. Do đó, chúng tôi kỳ vọng cơ quan quản lý cần có tư tưởng hỗ trợ DN hơn nữa. Chúng tôi không yêu cầu gì vượt quá giới hạn, chỉ cần hướng dẫn cặn kẽ và nhiệt tình để DN có thể thực hiện ngay. Nếu cần, tổ chức cuộc họp và giải quyết vấn đề kịp thời” - ông Kiên nói.

Luật sư Lê Anh Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, cơ quan nhà nước cần đẩy nhanh cải cách các quy định pháp lý chồng chéo, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho DN trong quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, các tổ chức đại diện DN cần được trao quyền và phát huy vai trò nhiều hơn trong việc tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ công mà Nhà nước có thể chuyển giao.

“Điều này sẽ giúp giảm tải cho bộ máy công quyền, đồng thời hỗ trợ DN tốt hơn trong hoạt động kinh doanh. Nếu thực hiện được những giải pháp này, môi trường kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi hơn, giúp DN vượt qua khó khăn và phát triển bền vững” - Luật sư Lê Anh Văn khẳng định.

Ông Văn còn cho rằng, DN gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa “tính hợp pháp và hợp lý”. Bởi việc sửa đổi luật và nghị định có thể kéo dài và tốn kém, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư. Trong nhiều trường hợp, DN buộc phải ưu tiên tính hợp lý để giải quyết các vấn đề ngắn hạn, nhưng điều này không hoàn toàn phù hợp với khung pháp lý hiện hành.

Cải cách thể chế là yếu tố quyết định tạo ra đột phá

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, cải cách thể chế là yếu tố quyết định tạo ra đột phá. Cải cách thể chế không chỉ là việc hoàn thiện các quy định hiện hành mà còn phải xây dựng mới những quy định phù hợp. Thể chế có nhiều khía cạnh để phân tích, nhưng ông Thành đề cập đến 3 khía cạnh, gồm "luật chơi", "người chơi" và "cách chơi".

Trong đó, "luật chơi", tức là các quy định pháp luật, cần được hoàn thiện và đổi mới để đáp ứng thực tế. "Người chơi" và "cách chơi", tức là các phương pháp thực hiện và sự hiện thực hóa các giá trị hợp lý, cần được cải thiện để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước. Do đó, cần có một môi trường thử nghiệm cho các công chức, giúp họ làm việc hiệu quả mà không bị ràng buộc bởi lợi ích cá nhân và các quy trình hành chính phức tạp.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có mấy điểm cần cải thiện. Trong đó, cần nhắc đến đầu tiên là sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Bởi hiện đang xảy ra hiện tượng, cùng một thủ tục mà ở nơi này chậm hơn nơi khác, điều này đã tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. Hoặc cùng một thủ tục nhập khẩu, nhưng ở cảng này giải phóng hàng nhanh hơn, cảng kia chậm hơn thì sẽ có những doanh nghiệp có thể bị thiệt hại khi hàng được chuyển ra bán trước sẽ có lợi thế hơn các chuyến hàng sau.

Đáng chú ý, ông Hiếu cho rằng, trong quá trình thực thi, cơ quan nhà nước có thể không sai về luật; Cụ thể, quy định có thể cấp trong vòng 5 - 10 ngày nhưng đối với doanh nghiệp cấp sớm 1 - 3 ngày có thể là cơ hội kinh doanh và ngược lại, cấp muộn 1 - 3 ngày có thể là thiệt hại.

“Rõ ràng câu chuyện này có thể cải thiện được. Tôi nhìn thấy có nhiều thứ có thể cải thiện được nếu làm hết sức, luôn vì lợi ích của doanh nghiệp. Từ góc độ của doanh nghiệp rất mong thực thi chính sách phải tốt hơn chứ không chỉ đơn thuần là đúng luật. Trong kinh nghiệm quốc tế có câu "vượt lên trên sự tuân thủ" - tức là luật thì quy định thế này rồi nhưng người ta luôn mong muốn các đối tượng thực hiện tốt hơn ngay cả khi luật không yêu cầu” - ông Hiếu nhận định.

Đọc thêm