Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiêp: Cần tạo áp lực để thay đổi!

(PLVN) - “Từ nay không chờ cải cách nữa mà phải tạo sức ép, liên tục tạo áp lực buộc phải thay đổi, nếu không khả năng thay đổi là rất khó…” - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh khi đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ…
Hội thảo nằm trong  khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)

Chưa vào bán kết ASEAN…

Hôm nay - 17/12, tại Hội thảo công bố Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh,  Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 được soạn thảo theo các chuẩn mực quốc tế, trong đó Nghị quyết 02 đặt mục tiêu vào “bán kết ASEAN” trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh, còn Nghị quyết 35 đặt mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020.

Đánh giá việc thực hiện 2 Nghị quyết này, Chủ tịch VCCI cho rằng, mặc dù từ 2014 đến 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc về năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn đang ở mức trung bình của thế giới, năng lực cạnh tranh trong ASEAN chưa vào top 4. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải vượt ít nhất 42 bậc nữa để “loại” Thái Lan thì mới có thể bước vào nhóm 4 ASEAN. 

Với mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng đây là mục tiêu khó khi với tính toán của VCCI, nếu tốc độ tăng trưởng số DN trong giai đoạn 2015-2018 được duy trì 17,3% mỗi năm  như hiện nay thì đến 31/12/2020, cả nước mới có 984.003 DN, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, trong khi một số địa phương có đó DN tăng rất cao như Bắc Giang (39%). Đồng Nai (32%), Vĩnh Phúc (30%)… thì còn nhiều tỉnh số DN tăng rất chậm như: Điện Biên (6%), Quảng Trị (8%), Phú  Yên (8%)… 

Theo Trưởng ban pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn,  đến nay mới cũng có 40/63 địa phương có cam kết về số lượng DN với VCCI. “Như vậy mục tiêu 1 triệu DN có thể sẽ không đạt được. Do đó, năm 2020 phải là năm tăng tốc về đích, các địa phương phải cam kết với VCCI về mục tiêu số lượng DN thành lập mới”, ông Tuấn lưu ý.

Đang có sự khuếch đại trong báo cáo…

Chủ tịch VCCI đã dùng từ “khấp khểnh” để nó về sự không đồng đều trong cải cách giữa các Bộ ngành, địa phương. Kể cả, trong những lĩnh vực cải cách nổi bật (như thuế, hải quan, tín dụng... ) vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới như thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực thuế 384 giờ trong khi châu Á Thái Bình Dương chỉ 173 giờ. Còn nhiều lĩnh vực hầu như không có cải thiện trong nhiều năm qua như phá sản DN, bảo vệ nhà đầu tư…

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, có hơn 40% DN cho biết phải đi lại nhiều lần để thực hiện TTHC, 58% DN cho biết gặp nhũng nhiễu khi thực hiện các TTHC. Thanh kiểm tra vẫn còn nặng nề…

Đáng chú ý, mục tiêu cắt gỉảm 50% điểu kiện kinh doanh (ĐKKD) và kiểm tra chuyên ngành theo kỳ vọng của Chính phủ vẫn là thách thức lớn. Theo đánh giá của VCCI, hiện vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi. Tuy nhiên, về mặt lập pháp thì việc tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về ĐKKD khó có thể tiếp tục được thực hiện ở cấp nghị định, mà phải ở cấp luật. 

Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng thẳng thắn khi cho rằng việc cắt giảm ĐKKD và kiểm tra chuyên ngành vẫn còn hình thức và quả quyết 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay không giảm mà còn có khả năng tăng lên…

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP đã không dấu được bức xúc khi cho biết có những kiến nghị của DN từ đầu năm đến cuối năm vẫn còn nguyên, thậm chí có cả những nội dung ghi vào Nghị quyết 02 nhưng đến nay DN vẫn tiếp tục kiến nghị.

“Hoạt động theo chuỗi của các DN chế biến và xuất khẩu thuỷ sản liên quan tới 7 bộ ngành, chúng tôi nhận thấy sự chuyển động của các bộ ngành là có, nhưng cải cách phụ thuộc con người và người đứng đầu. Tôi có cảm giác các Vụ, Cục có sự nể nang. Ai cũng biết việc đó phải sửa nhưng đều cho rằng mình không phải là người trực tiếp đề xuất…”, ông Nam nói và đề nghị: "Nghị quyết năm tới không nên ghi nhiều, ghi chung chung mà chỉ cần ghi mỗi Bộ 1 việc mà thực thiện được là tốt lắm rồi…"

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng đang có sự khuếch đại trong báo cáo của một số Bộ, ngành
 TS Nguyễn Đình Cung cho rằng đang có sự khuếch đại trong báo cáo của một số Bộ, ngành

Nguyên Viện trưởng CIEM, người chắp bút cho Nghị quyết 19 và sau này là Nghị quyết 02 của Chính phủ, TS Nguyễn Đình Cung cũng cho biết, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 khác các Nghị quyết khác là thực hiện, giám sát, đánh giá và liên tục “report” lên Thủ tướng Chính phủ xem các Bộ ngành, địa phương làm được gì, nhưng theo ông, đang có xu hướng khuếch đại so với những cái đã làm được  trong báo cáo của một số Bộ ngành. “Từ nay không chờ cải cách nữa mà phải tạo sức ép, liên tục tạo áp lực buộc phải thay đổi, nếu không khả năng thay đổi là rất khó…”, TS Cung đề xuất.

Còn Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu chừng nào chúng ta còn hài lòng với thể chế trung bình thì không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, mà phải là thể chế vượt trội. Ông Lộc cũng mượn lời trong một bài hát đế thúc giục cải cách: “Nhanh tay lên nào anh chị em ơi…".

Đọc thêm