Cạm bẫy “cộng tác viên online”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù không còn mới, nhưng trong thời gian gần đây, các hoạt động lừa đảo núp bóng tuyển cộng tác viên bán hàng, cộng tác viên đăng bài online lại tiếp tục nở rộ. Một công việc khá dễ dàng và tưởng như ăn chắc khiến không ít người “mắc bẫy”.
Chị Nguyễn Thị H trình báo vụ việc cho cơ quan công an.
Chị Nguyễn Thị H trình báo vụ việc cho cơ quan công an.

Lợi dụng tình trạng nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính, lại không có việc làm, các đối tượng đã giả mạo là nhân viên của các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee, Lazada, Tiki… đăng tin tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng online trên mạng xã hội. Sau đó các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu.

Ngày 25/3/2022, chị Nguyễn Thị H. (SN 1995, trú tại phường Trường An, TP. Huế) sử dụng facebook thì nhận được tin nhắn tuyển cộng tác viên Lazada. Vì muốn có việc làm, kiếm thêm thu nhập, chị H xin tham gia và được một đối tượng gọi điện thoại tự xưng bên hệ thống Lazada hướng dẫn cách làm cộng tác viên.

Đối tượng này đã gửi cho chị H một trang giả website của Lazada. Đồng thời, yêu cầu chị H kích vào mua các sản phẩm trên trang này. Số tiền chị H mua sẽ được hoàn lại cùng với tiền hoa hồng trên mỗi sản phẩm.

Nghe lời đối tượng, “đơn hàng” đầu tiên chị H giao dịch 100 ngàn đồng và được đối tượng chuyển khoản lại cho chị cả gốc lẫn hoa hồng là 118 ngàn đồng. Giao dịch “đơn hàng” thứ 2 giá trị 1,2 triệu đồng, chị H được chuyển lại hơn 1,5 triệu đồng.

Tiếp đó, chị H tiếp tục thực hiện lần lượt các “đơn hàng” thứ 3, 4, 5, nhưng các đối tượng không chuyển khoản lại cho chị với nhiều lý do. Chúng yêu cầu chị H mua thêm nhiều đơn hàng khác mới chuyển khoản lại với số tiền cao hơn.

Không chút do dự, chị H chuyển các “đơn hàng” khác với tổng số tiền lên đến 120 triệu đồng. Khi chị H không còn tiền để giao dịch “đơn hàng” và biết mình bị lừa thì các đối tượng cắt đứt liên lạc và chiếm luôn số tiền của chị.

Tương tự, anh Nguyễn Văn T. (SN 1997, trú tại phường An Cựu, TP. Huế) cũng “dính bẫy” của các đối tượng mạo danh đơn hàng Shopee, chiếm đoạt 24 triệu đồng.

Công an làm việc với bị hại Nguyễn Văn T.

Công an làm việc với bị hại Nguyễn Văn T.

“Sợ số tiền trước đó sẽ bị mất, nên tôi đã tiếp tục chuyển tiền, thực hiện các giao dịch mua hàng. Lúc đầu, các đối tượng chuyển khoản lại cả gốc lẫn hoa hồng, nhưng về sau, thực hiện giao dịch mới tôi mới nhận ra rằng mình bị lừa”, anh Nguyễn Văn T cho biết.

Thống kê từ năm 2021 đến nay, Công an TP. Huế đã tiếp nhận 468 đơn trình báo liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao (chiếm hơn 50%) tổng số đơn trình báo tố giác tội phạm. Hiện, tất cả các đơn trình báo đang được các đội nghiệp vụ Công an TP. Huế xác minh, làm rõ.

Thượng tá Phạm Trung Chính, Phó Trưởng Công an TP. Huế đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm