Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo khoản 1 điều 317 Bộ luật Dân sự, thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp).
Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường gọi là “sổ đỏ”) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Thực tiễn trong giao dịch dân sự, giao dịch vay với ngân hàng, việc “cầm cố sổ đỏ” thực chất là thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và bên thế chấp giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ngân hàng giữ.
Khoản 1 điều 167 Luật Đất đai cũng quy định rõ “người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”, không có quyền cầm cố đối với quyền sử dụng đất.
Theo điều 292, khoản 1 điều 295, khoản 1 điều 317 Bộ luật Dân sự, tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, bên thế chấp (trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu).
Như vậy, để có thể vay tiền từ ngân hàng và thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ngân hàng phải do chính chủ sở hữu thực hiện (hoặc người đại diện hợp pháp).
Về mặt nghiệp vụ, thủ tục, các ngân hàng đều có quy định khá chặt chẽ, cụ thể về việc kiểm tra quyền sở hữu của người bảo đảm, thế chấp; hơn nữa thế chấp liên quan đến quyền sử dụng đất đều phải qua công chứng.
Do vậy, việc con đem sổ đỏ của bố mẹ đi thế chấp ngân hàng là không đúng quy định và nếu thực hiện được có thể đã có yếu tố lừa đảo và có sự sai sót về mặt nghiệp vụ của ngân hàng, thậm chí có sự đồng phạm.