Cấm quảng cáo rượu, bia: 'Lợi bất cập hại'?

(PLO) - Trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế đề xuất các biện pháp kiểm soát trong khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia trong đó tập trung quy định các biện cấm quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ. Đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. 
Nếu quy định cấm quảng cáo, tài trợ rượu, bia được ban hành, các lễ hội như Heineken countdown này sẽ không còn nữa. (Ảnh minh họa)

Hàng trăm tỷ đồng mỗi năm chi cho quảng cáo

Theo chính số liệu mà Bộ Y tế đưa ra trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, ngành công nghiệp rượu, bia ở Việt Nam đang có tốc độ gia tăng, phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Sản lượng rượu, bia tăng nhanh cùng với cơ chế khuyến khích phát triển ngành rượu, bia và hiệu quả của việc quảng bá sản phẩm rượu, bia đến người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất rượu dưới 15 độ và bia chi rất nhiều cho quảng cáo. 

Ví dụ: Năm 2013 Sabeco chi tổng cộng hơn 762 tỷ đồng cho quảng cáo; Năm 2015, Sabeco chi khoảng 95,8 tỷ đồng cho quảng cáo trên TV (2 loại bia chính yếu mà Sabeco chi vào là Saigon Beer - 42 tỷ và Saigon Special - 41 tỷ). Chi phí quảng cáo vào khoảng 3.5-5% doanh thu và chiếm gần 50% chi phí bán hàng ở Sabeco. Điều này giúp thúc đẩy sản phẩm của doanh nghiệp từ đó giúp lợi nhuận tăng cao: Năm 2015 lợi nhuận của Sabeco đã đạt mức 3.600 tỷ và gần như tăng khoảng 30% so với lợi nhuận của năm 2012 (2.785 tỷ). Cũng trong năm 2015, Habeco có chi phí quảng cáo, khuyến mãi lên tới 110 tỷ đồng, tăng 42% so với con số 77 tỷ cùng kỳ năm trước.

Pháp luật hiện hành chỉ cấm quảng cáo đối với sản phẩm rượu từ 15 độ trở lên. Các sản phẩm rượu dưới 15 độ và bia được quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, trưng bày không giới hạn, như đối với hàng hóa thông thường nên đã có tác động mạnh đến người dân, khuyến khích và gia tăng nhanh tỷ lệ, mức độ sử dụng rượu, bia. 

Hạn chế quảng cáo – có giảm nhận biết, tiếp cận?

Bộ Y tế cũng cho rằng, nếu tính về lượng rượu nguyên chất tiêu thụ bình quân đầu người/năm (quy đổi) thì lượng rượu nguyên chất người Việt Nam dung nạp từ bia cao hơn từ các sản phẩm rượu vì 90% sản phẩm có cồn tiêu thụ tại Việt Nam là bia (năm 2015 là 3,4 tỷ lít bia) và rượu, bia đều gây tác hại như nhau. 

Trong khi đó, cơ chế quản lý đối với rượu, bia chú trọng đến khía cạnh thương mại, phát triển ngành rượu, bia mà không đề cập đến phòng, chống tác hại cũng như kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia. Do đó, nếu giữ nguyên như quy định hiện hành là không kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tài trợ với bia và rượu dưới 15 độ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, tỷ lệ uống rượu, bia sẽ tăng cao, trẻ em dễ tiếp cận với rượu, bia sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Từ đó, Bộ Y tế cho rằng, các biện pháp kiểm soát hạn chế quảng cáo rượu, bia góp phần giảm chi phí của Nhà nước để giải quyết các vấn đề bệnh tật, tử vong, chấn thương và các thiệt hại khác về kinh tế - xã hội. Qua đó, cũng giảm chi phí truyền thông của Nhà nước, giúp Nhà nước có thêm phần ngân sách tiết kiệm được để chi cho phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia; tạo thói quen uống rượu, bia hợp lý.

Bên cạnh đó, nếu đợi đến khi tỷ lệ sử dụng ở mức báo động, tình trạng lạm dụng phổ biến mới hạn chế quảng cáo, tài trợ thì đã quá muộn, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn, khó khắc phục hơn, không bảo đảm tính dự phòng. 

Thay vì cấm, cần nghĩ tới quy chế tự quản

Trong hội thảo về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Matt Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam - cho rằng, cấm như vậy có thể sẽ khiến những chương trình nghệ thuật lớn mang lại trải nghiệm thú vị như đường đua F1 hay Countdown vốn được tổ chức đều đặn những năm qua phải "nói lời từ biệt".

"Tôi cho rằng mục tiêu quản lý nhà nước hoàn toàn có thể thực hiện được bằng những quy chế tự quản" - ông Matt Wilson nói. Ông cũng viện dẫn tỷ lệ 40% thị trường lớn trên thế giới đã áp dụng tự quản thành công vì họ tin vào hoạt động mạnh mẽ của nền quảng cáo cũng như lợi ích kinh tế lớn của ngành này mang lại.

Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng cho rằng cấm như vậy là cứng nhắc. Theo ông, người tiêu dùng có quyền tiếp nhận thông tin về sản phẩm từ nhà sản xuất chân chính. "Nếu cấm hoàn toàn sẽ lợi bất cập hại" – ông Tuấn nhận định – “Thay vì cấm, nên điều chỉnh hành vi lạm dụng, quảng cáo sai sự thật ảnh hưởng tới hành vi người dùng”.

Trong khi đó, việc đưa ra điều khoản quy định cấm quảng cáo, theo ông Trần Quang Chiểu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội – là đang "vênh" với quy định tại Luật Quảng cáo, khi tại Luật này hành vi cấm không bị điều chỉnh.

Còn đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, việc cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống có cồn sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của Việt Nam, không nhất quán với Quyết định số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về việc phát triển ngành dụ lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho đến năm 2020.  

Cụ thể, các hoạt động văn hóa và thể thao xã hội hóa (do các doanh nghiệp tài trợ) đem đến cho rộng rãi công chúng tại Việt Nam các chương trình giải trí hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế. Những hoạt động này cũng góp phần giúp hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ du lịch và ẩm thực Việt Nam, đóng góp cho nền kinh tế ở các địa phương phát triển, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung. Tại các sự kiện này, Ban tổ chức không bán bia mà còn nhân cơ hội này để tuyên truyền về hành vi uống có trách nhiệm.

Trong thời điểm hiện nay, với sự thay đổi từ các phương tiện và kênh truyền thông truyền thống sang phương tiện và kênh truyền thông kỹ thuật số trên mạng xã hội (đặc biệt là đối với chi tiêu cho quảng cáo), việc kiểm soát chặt hơn đối với quảng cáo đồ uống có cồn/bia trên các kênh truyền thông truyền thống tại Việt Nam sẽ chỉ làm gia tăng tác động kinh tế và thúc đẩy việc chuyển dịch sang phương tiện truyền thông kỹ thuật số trên mạng xã hội với phần lớn doanh thu được chuyển ra nước ngoài thay vì doanh thu này được phát sinh và ghi nhận tại Việt Nam. 

Vì thế, Hiệp hội khuyến nghị Nhà nước cung cấp một cơ chế tự quản mới, nhằm đạt đến hiệu quả hơn về chi phí và cách thức hoạt động, đồng thời cân nhắc đến quyền lợi của tất cả các ngành liên quan và nhất quán với các cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nước APEC. Dự thảo Luật hiện nay đang mâu thuẫn với những cam kết này cũng như các Hiệp ước khác mà Việt Nam đang là thành viên. 

Đọc thêm