Nhằm đưa xe 3 bánh vào “khuôn khổ”, mới đây Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thành phố tiến tới cấm sử dụng loại phương tiện này vào vận tải hàng hóa. Cần phải khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh việc nói không với xe 3 bánh, các ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ để các đối tượng chịu tác động chuyển đổi nghề nghiệp.
“Lỗ hổng” trong quản lý
Theo thống kê của Công an Hà Nội, trên địa bàn hiện có gần 4.400 xe 3, 4 bánh tự chế đang hoạt động. Trong đó, có 780 xe của thương binh, bệnh binh và người khuyết tật. Tuy nhiên, hiện chỉ có 30 xe 3 bánh được đăng ký và được cấp phép lưu hành. Con số này đồng nghĩa với việc 99% xe 3 bánh chưa được quản lý. Cũng dễ hiểu vì sao, cứ sau mỗi đợt ra quân của lực lượng chức năng, tình trạng xe 3 bánh không đảm bảo chất lượng, xe thương binh giả lại tái diễn.
Ở Thủ đô, hình ảnh xe 3 bánh dễ bắt gặp nhất là các tuyến phố như Đê La Thành, Giải Phóng, Hoàng Quốc Việt… Đa phần các xe ở những khu vực này đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao bởi hầu hết đều tham gia chở hàng quá khổ trong khi phương tiện lại “nhiều không”: không đảm bảo về kỹ thuật, không biển kiểm soát, không gương chiếu hậu, thậm chí còn không có còi xe...
Hệ lụy nhãn tiền là nhiều trường hợp xe 3 bánh khi “tung hoành” trên các tuyến phố đã gây ra tai nạn, va chạm giao thông. Cách đây hơn 1 tháng, bản thân người viết cũng trực tiếp chứng kiến cảnh xe 3 bánh chạy tốc độ cao va quệt giao thông. Thời điểm đó, chiếc xe này lưu thông hướng từ đường Tôn Đức Thắng đi Nguyễn Lương Bằng, khi vừa nhìn thấy CSGT chủ phương tiện đã quay ngoắt vào phố Đê La Thành với tốc độ cao. Động thái đột ngột chuyển hướng đi của chiếc xe đã khiến một phụ nữ ngã sõng soài trên đường.
Trên khía cạnh xử lý vi phạm, thực tế cho thấy lực lượng CSGT cũng gặp rất nhiều trở ngại khi xử lý loại phương tiện này. Ngoài ý thức chấp hành pháp luật của chủ xe và người điều khiển xe chưa cao, chế tài xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe… thì các chủ xe còn nghĩ ra đủ các chiêu trò đối phó tinh quái. Một cán bộ CSGT cho biết, khi đơn vị tiến hành giữ và lập biên bản xe vi phạm thì “phát lộ” ra không ít trường hợp “lách luật” bằng cách lợi dụng danh nghĩa của một thương binh nhưng đăng ký nhiều xe. Những xe này họ cho một số cá nhân “thuê” để làm phương tiện vận tải.
Gần đây, để có biện pháp đối phó với cơ quan chức năng, một chiêu trò mới thường được các chủ phương tiện 3 bánh áp dụng là bên cạnh người điều khiển xe còn xuất hiện thêm một người ngồi cùng. Khi bị CSGT kiểm tra, người ngồi cạnh là thương binh sẽ viện lý do sức khỏe yếu, nên nhờ con cháu lái giúp.
Cần giải pháp phù hợp
Khách quan nhìn nhận, nếu đề xuất của Sở GTVT được triển khai áp dụng đúng theo kế hoạch thì đồng nghĩa với việc hơn 4 nghìn người lái xe 3 bánh ở Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ phải chuyển nghề. Phải chăng đã đến lúc nói không với xe 3 bánh?
Liên quan đến vấn đề này, người viết đã tiến hành khảo sát tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, nội thất, các cơ sở gia công sắt thép… trên đường Đê La Thành, Hoàng Quốc Việt. Ở những khu vực này, khi được hỏi phần lớn các chủ hộ kinh doanh đều có vài ba số điện thoại của xe 3 bánh.
Lý do xe 3 bánh được “chuộng” chủ yếu xuất phát từ nhu cầu vận chuyển đồ đạc giá rẻ, tiện lợi. Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Quốc Q – một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết: “Thuê xe chở gạch, ngói mà tìm xe tải thì không tiện như xe 3 bánh. Ngoài giá thành cao thì các nhà nằm trong ngõ nhỏ xe tải sẽ gặp bất lợi là không vào đến nơi được. Xe 3 bánh thì tiện hơn, giá thành thấp, khả năng luồn lách trong ngõ nhỏ tốt, cứ gọi là tận cửa luôn”.
Băn khoăn về “tương lai” của xe 3 bánh thời gian tới, ông Nguyễn Thành L. một thương binh loại A, thương tật 85% cho biết: “Cá nhân ông ủng hộ chủ trương của Sở GTVT Hà Nội. Thế nhưng thực hiện lộ trình như thế nào, thủ tục đăng ký ra sao… ông vẫn chưa được tuyên truyền, hướng dẫn nên chưa biết”.
Thiết nghĩ, việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự an toàn giao thông với xe 3 bánh là hết sức cần thiết. Song, về lâu dài thành phố và các ban, ngành liên quan nên nghiên cứu xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho thương, bệnh binh, người khuyết tật, thực hiện lộ trình chuyển đổi xe ba bánh sang các loại phương tiện vận tải khác, bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài và phù hợp với quy định của pháp luật.