Cần bảo đảm bình đẳng giới trong thị trường lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam đã đạt được thành tựu về bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo rất ấn tượng, tuy nhiên, đâu đó hiện tượng phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới vẫn tiếp diễn trên thị trường việc làm...

Việt Nam đã có hệ thống luật pháp, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo nói riêng. Trên thực tế, nước ta đã đạt được thành tựu về bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo rất ấn tượng. Sáng 22/5/2024, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, theo đó chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, trong đó, bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động việc làm, giáo dục và đạo tạo, an sinh xã hội và thông tin và truyền thông tiếp tục là những điểm sáng, có nhiều tiến bộ so với năm 2022.

Mặc dù đạt được thành tựu tiến bộ về bình đẳng giới như vậy, tuy nhiên vẫn có những biểu hiện “trọng nam” trong tuyển dụng lao động ở cơ sở giáo dục đào tạo. Năm 2010, tôi có bài viết về “Vi phạm luật bình đẳng giới trong tuyển dụng” (Tuổi trẻ online, ngày 20/8/2010) tại một trường đại học ở Hà Nội, lần này lại thấy hành vi phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới trong tuyển dụng viên chức ở một cơ sở giáo dục đại học phía Nam.

Một trường đại học có tên tuổi ở TP HCM, đáng khen ngợi khi có chính sách thúc đẩy nữ giảng viên nghiên cứu khoa học, công bố bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, các hội thảo khoa học, bằng cách qui định “Chính sách khuyến khích đối với tác giả nữ: Nhân hệ số 1,2 đối với giờ phụ trội được thanh toán”. Theo qui định này, ví dụ nếu tác giả nam có bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE, SSCI; A&AHCI; Scopus Q1 được nhà trường thanh toán phụ trội 75 triệu đồng, thì tác giả nữ sẽ được thanh toán 90 triệu đồng. Tương tự, bài đăng trên các tạp chí khác nhau, tùy theo mức độ uy tín của tạp chí mà được thanh toán mức độ phụ trội cao hay thấp. Được biết, chính sách khuyến khích nữ giảng viên nghiên cứu khoa học có từ khi một nữ giảng viên lên làm Phó Hiệu trưởng, phụ trách mảng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Trong khi chính sách này đáng được “điểm ưu” về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo, thì nhà trường lại có sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Điều này thể hiện qua các thông báo tuyển dụng viên chức của nhà trường giai đoạn 2020 - 2023.

Trong thông báo tuyển dụng viên chức năm 2020, khi tuyển dụng giảng viên khoa Kế toán - Kiểm toán với 03 chỉ tiêu (vị trí việc làm V.07.01.03) có mô tả công việc và nhấn mạnh “Ưu tiên nam”. Điều này cũng lặp lại trong thông báo tuyển dụng năm 2021 với thông báo tuyển dụng 02 giảng viên và 03 trợ giảng khoa Kế toán- Kiểm toán. Thông báo tuyển dụng viên chức năm 2022 có 02 chỉ tiêu tuyển giảng viên khoa Kế toán - Kiểm toán nhưng vẫn lặp lại “Ưu tiên ứng viên nam”. Cũng trong năm này, khoa Du lịch - Thương mại thông báo tuyển dụng 02 giảng viên có nhấn mạnh “ưu tiên ứng viên nam”.

Phụ nữ chiếm đa số trong lĩnh vực du lịch, thương mại và kế toán ở Việt Nam, cả tại các trường đại học và trong lực lượng lao động. Tại nhiều quốc gia khác ở khu vực Châu Á -Thái bình dương, đa số là phụ nữ làm việc trong lĩnh vực kế toán, du lịch do có những phẩm chất phù hợp với công việc này. Nhưng không rõ lý do vì sao nhà trường lại ưu tiên tuyển dụng nam giới? Thêm nữa trong Thông báo tuyển dụng viên chức năm 2023, có mục tuyển dụng 01 chuyên viên (mã vị trí việc làm: 01.003) làm việc tại Phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, nhưng nội dung miêu tả công việc, điều kiện tiêu chuẩn lại viết “Thực hiện các công việc chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và hợp tác quốc tế của phòng; Tốt nghiệp đại học trở lên. Ưu tiên nam”. Giả định rằng công việc thuộc lĩnh vực kỹ thuật, nặng nhọc, đòi hỏi sức mạnh cơ bắp thì nếu có ưu tiên nam giới cũng đáng phê bình nhưng có thể hiểu được lý do, đằng này làm chuyên viên ở một phòng chức năng của trường đại học, không hiểu vì sao lại ưu tiên nam giới? Phải chăng nhà trường quan niệm nữ giới không có năng lực làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế? Có thể thấy, dường như cơ sở giáo dục này có “truyền thống” phân biệt đối xử giới trong tuyển dụng viên chức với dấu hiệu là trong một số năm liên tục, đều có hiện tượng “ưu tiên nam” trong tuyển dụng viên chức ở các vị trí việc làm khác nhau (giảng viên, trợ giảng, chuyên viên).

Luật bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007; trong đó nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới nhấn mạnh “Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới”. Đồng thời liên quan đến tuyển dụng lao động, tại khoản 1 điều 13 (Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động) có quy định “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng…” và cấm “Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức”. Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày ngày 10 tháng 06 năm 2009 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới”; tại điều 8 (Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động) có quy định mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới;…

Như vậy, có thể thấy thông báo tuyển dụng viên chức của cơ sở giáo dục đại học nói trên đã vi phạm điều 13 của Luật bình đẳng giới và hành vi này cũng vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động theo Nghị định số 55/2009/NĐ-CP. Điều đáng nói là, cơ sở giáo dục này vừa có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học nhưng lại vi phạm luật bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Nói cách khác, cơ sở giáo dục đại học này có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới ở “đầu ra” (nghiên cứu và công bố kết quả khoa học) nhưng lại phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới ở “đầu vào” (tuyển dụng lao động).

Với một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực kinh tế, tài chính cho xã hội, có đội ngũ lãnh đạo quản lý có trình độ cao cả về chuyên môn lẫn lý luận chính trị, được xem là có hiểu biết thuộc nhóm “tinh hoa” mà vẫn còn vi phạm luật bình đẳng giới, thì với các đơn vị khác, nơi không có môi trường tri thức, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách thì không biết điều này sẽ thế nào?

Đọc thêm