Nhiều người vẫn ví von vui rằng, mỗi thời điểm tổng kết năm học là “đại hội khoe thành tích con” của các bậc phụ huynh. Hàng loạt hình ảnh con trẻ với các loại giấy khen, phần thưởng, bằng cấp được phụ huynh đăng tải lên mạng để bày tỏ niềm tự hào với con cái mình sau một năm nỗ lực học tập. Tuy nhiên, dịp cuối năm học 2022 vừa qua, không ít tiếng nói cất lên đề nghị phụ huynh bớt rầm rộ khoe con. Và trong những tiếng nói ấy, có không ít những đứa trẻ ngồi trên ghế nhà trường.
Cha mẹ khoe con, khoe thành tích của con không phải chuyện đáng trách, bởi tự hào về việc con mình chăm chỉ học hành, đạt kết quả tốt là tâm lý thường gặp của các bậc cha mẹ. Nhưng một số phụ huynh đã có cách “khoe” mang hơi hướng tiêu cực, thậm chí có ý chê bai, phân biệt đối với những trẻ không đạt thành tích cao. Có những trường hợp, năm học trẻ đạt thành tích tốt thì cha mẹ “ca” lên mây, năm nào trẻ học không được kết quả như ý thì phụ huynh im lìm, thậm chí có thái độ chê trách, khó chịu, trừng phạt trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, “khoe điểm” chỉ là một trong những biểu hiện nhẹ nhàng của “căn bệnh thành tích” mà một bộ phận phụ huynh mắc phải. Các chuyên gia cho rằng, “bệnh thành tích” và sự ép uổng của cha mẹ đã gây ra nhiều hệ lụy. Về khía cạnh tâm lý, “căn bệnh” này của phụ huynh có thể gây ra sự cô đơn và thiếu thấu hiểu, gây áp lực, khổ đau cho con cái.
Sự nguy hiểm của “căn bệnh thành tích” là khiến nhiều đứa trẻ rơi vào stress, trầm cảm, khiến trẻ lạc lối, tự hủy hoại mình. Về mặt hình thành nhân cách, “căn bệnh thành tích” khiến con có nhận thức lệch lạc về việc học hành, có thể biến trẻ thành người thiếu trung thực, chạy theo thành tích, khó lòng có thể trở thành những cá nhân độc lập và tự tin trong tương lai.
Còn nhớ, vào ngày khai trường năm học 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Lễ khai giảng của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Tại đây, Thủ tướng đã có phát biểu tâm huyết về việc vun đắp tương lai con trẻ. Thủ tướng chia sẻ: “Chúng ta đừng vì “bệnh thành tích”, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thụ tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến”...
Cũng trong bài phát biểu ấy, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các bậc cha mẹ phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc các cháu. Sự kết nối bằng tình yêu thương, khuyến khích là phương pháp dạy học quan trọng, cha mẹ, nhà trường và cả xã hội hãy cùng tạo môi trường dạy dỗ, đào tạo lành mạnh, an toàn, trí tuệ cho các cháu; khơi dậy được ý chí, khát vọng, sáng tạo, nhân ái, tích lũy tri thức để trở thành công dân toàn cầu, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.