“Căn bệnh” vô cảm qua vụ việc đám đông cổ vũ người tự tử

(PLO) - Mới đây, ứng dụng video trực tuyến của Trung Quốc có tên Kuaishou đã phải xóa 12 tài khoản người dùng sau khi họ phát trực tiếp cận cảnh một cô gái 19 tuổi ở Khánh Dương, phía Tây Bắc tỉnh Cam Túc tự tử, bất chấp mọi nỗ lực giải cứu của đội cứu hỏa. 
Lá thư tuyệt mệnh viết tay dài 6 trang giấy của nạn nhân, tố cáo thầy giáo quấy rối tình dục
Lá thư tuyệt mệnh viết tay dài 6 trang giấy của nạn nhân, tố cáo thầy giáo quấy rối tình dục

Đám đông vô cảm cổ vũ người tự tử

Cô gái này họ Lý qua đời hôm 20/6, sau khi nhảy từ tầng thứ 8 của của một cửa hàng bách hóa, bên dưới là một đám đông người hò hét, cổ vũ. Một số người trong đám đông đã chế nhạo và thúc giục: “Sao còn chưa nhảy xuống?”, “Nếu muốn nhảy thì làm nhanh lên!”…

Lý ngồi 4 tiếng ngồi ngoài cửa sổ. Trong khi một đội lính cứu hỏa xuất hiện để tìm mọi cách cứu cô, thì chính những đám đông hò hét, khuyến khích cô gái mau chóng nhảy xuống lại tìm cách ngăn chặn họ lại. Sau đó, cô được một người lính cứu hỏa tiến đến gần và đề nghị nắm lấy tay để anh kéo vào, nhưng cô gái tuyệt vọng nói: “Cảm ơn, nhưng tôi phải đi”, rồi nhảy xuống.

Khi cô gái chạm đất, đám đông còn vỗ tay và cười lớn trong tiếng hét bất lực của đội lính. Thậm chí, một số người chứng kiến còn quay video ghi lại hình ảnh sự việc đau lòng này. Những video ám ảnh ghi lại giây phút cuối đời của Lý sau đó được phát tán rộng rãi trên Facebook, Weibo, Twitter và nhiều mạng xã hội khác nhau ở Trung Quốc. 

Cái chết của cô gái họ Lý gây ra một làn sóng giận dữ trên mạng xã hội bởi sự vô cảm của chính những người tận mắt chứng kiến cảnh tự tử. Sự thờ ơ của những người vô cảm khiến cô gái phải tìm đến cái chết. Người ta cho rằng trong suốt 4 tiếng ngồi bên cửa sổ, Lý cảm nhận được rằng ít ai luyến tiếc hay thông cảm với mình, những người chứng kiến sự việc thậm chí còn khuyến khích cô nhanh chóng nhảy xuống, khiến cô tuyệt vọng hoàn toàn với cuộc sống. 

 “Thế giới đang ngày càng vô cảm hơn. Tôi cảm thấy sợ hãi. Những người đó thiếu nhận thức đến mức nào khi hò hét, cổ vũ cô ấy nhảy xuống?”, một người dùng Weibo tỏ ra hoang mang. “Tôi mong bạn đã tới một thế giới tốt đẹp hơn, nơi con người không quá lạnh lùng và thờ ơ”, người khác chia sẻ trên Twitter.

Xu Jiwei, đội trưởng nhóm cứu hộ tại sở cứu hỏa địa phương, người đã cố ngăn cản Lý tự sát, cho biết thiếu nữ đã cầu xin anh để cô được chết. Anh chia sẻ rằng toàn bộ đội cứu hỏa đã khóc sau khi Lý nhảy xuống và họ “vô cùng xin lỗi” vì cái chết của cô.

“Cô gái ấy đã chiến đấu suốt hai năm. Trừ người bố, không ai quan tâm tới nỗi đau của cô ấy, ngay cả các giáo viên, nhà trường, tòa án và công tố viên. Chỉ có những người lính cứu hỏa kia là nỗ lực cứu cô ấy”, một tài khoản Weibo viết khi biết câu chuyện đau lòng của Lý.

Vụ việc còn thu hút sự chú ý tới cuộc đấu tranh nhằm tìm kiếm trợ giúp pháp lý trong các cáo buộc tấn công tình dục của phụ nữ Trung Quốc. Trong bức thư tay dài 6 trang để lại trước khi tự sát, Lý tố cáo giáo viên họ Ngô quấy rối mình và đòi công bằng.

Cụ thể, vào tháng 9/2016, Lý tới phòng y tế trong trường vì bị đau dạ dày. Ngô đã tới kiểm tra rồi lợi dụng cơ hội để chạm vào mặt, hôn lên môi và cắn vào tai cô, thậm chí cố xé quần áo. Sau đó, một giáo viên khác bước vào và Lý được đưa về ký túc xá. 

Lý và bố mình đã báo cáo vụ việc với sở cảnh sát vào tháng 2/2017, khiến Ngô ngồi tù 10 ngày vì tội lạm dụng. Tuy nhiên, bố của Lý cảm thấy mức phạt này quá nhẹ nên đã kêu gọi các công tố viên trong quận can thiệp, nhưng họ quyết định không kết tội Ngô. Theo báo cáo, Ngô đã phủ nhận cáo buộc và nói rằng chỉ dùng miệng chạm vào trán Lý để “kiểm tra nhiệt độ”.

Nhà trường đã đề nghị bồi thường gia đình của Lý 350.000 nhân dân tệ (khoản hơn 53.000 USD) để đổi lấy việc rút đơn kiện Ngô, nhưng họ từ chối. “Chúng tôi không thể đồng ý thỏa thuận đáng xấu hổ đó được”, bố của Lý cho biết. Trong đơn khiếu nại gửi tới công tố viên, Lý nói rằng nhà trường đã khiến cô thất vọng và không trừng phạt Ngô bởi người này “khó thay thế”.

Không nhận được sự giúp đỡ tích cực từ nhà trường và chính quyền, Lý rơi vào bế tắc và đã từng 4 lần cố tự sát bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có một lần được cứu kịp thời khi chuẩn bị nhảy lầu. Cảnh sát sau đó điều tra nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hành động tự sát, nhưng cuối cùng họ không kết tội vì cho rằng không đủ bằng chứng. 

Làm ngơ trước đứa bé gặp tai nạn

Tiếp ngay sau vụ tử tử của cô gái họ Lý, ngày 23/6 tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, một người đàn ông 33 tuổi chuẩn bị nhảy lầu. Anh này đứng ngay mé ngoài trên tầng 11 của một tòa nhà, nhiều người nhìn thấy cảnh tượng đã tụm lại xem và hò hét, có người tận mắt chứng kiến đã chụp ảnh lại. Tại hiện trường có một bộ phận người thậm chí còn ngồi ghế để chờ “xem kịch hay”.

Sau đó không lâu, đến ngày 26/6, một cô gái ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô đã leo lên ban công một tòa nhà với ý định nhảy xuống. Rất nhiều người chứng kiến xung quanh hò reo “Nhảy đi, nhảy đi!” Nhiều người thậm chí còn dùng đèn có độ sáng mạnh chiếu vào cô gái để khiêu khích cô nhảy xuống. May mắn thay, khi nhân viên cứu hộ xuất hiện và khuyên can, cô gái đã bỏ ý định tự tử.

Đây chỉ là 3 trường hợp xảy ra trong  vòng chưa đầy một tuần lễ hồi tháng 6/2018. Những sự việc tương tự như vậy hiện đang diễn ra một số nơi tại Trung Quốc.

Sự thờ ơ của một số người dân sống trong xã hội Trung Quốc trên thực tế không chỉ diễn ra trong một vài năm gần đây. Trước đó, ngày 13/10/2011 tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã xảy ra một vụ tai nạn gây chấn động Trung Quốc và lan ra khắp thế giới. Bé Duyệt Duyệt 2 tuổi, vì mải chơi gần cửa hàng của cha mẹ mình đã vô tình chạy xuống phố và bị một chiếc xe ô tô cán qua người.

Cậu bé nằm sóng xoài bên đường với máu me đầy mình trong sự đau đớn tột cùng. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là những người qua đường dường như cố tình làm ngơ cảnh đau đớn của cậu bé mà không hề ra tay trợ giúp, ngoảnh mặt làm ngơ trước sự sống của đồng loại.

Đoạn video an ninh cho thấy, lái xe dừng lại một lúc như cảm thấy mình vừa cán qua đứa trẻ, nhưng chiếc xe lại đi tiếp và chèn lên đứa trẻ thêm một lần nữa bằng bánh xe sau. Điều đáng nói là 18 người đi qua đường nhìn thấy đứa trẻ bị xe cán nhưng đều bỏ mặc không ai đoái hoài tới.

Đứa trẻ thậm chí còn bị một chiếc xe tải thứ hai cán qua người, rất lâu sau đó mới có một người phụ nữ nhặt rác tốt bụng nhìn thấy và cứu bé. Tuy nhiên, sau 8 ngày nằm viện, bé Duyệt Duyệt không qua khỏi nguy kịch.

Trong số 18 người đó, có một thanh niên bước qua cách bé gái chỉ vài cm, nhưng trông bộ mặt của anh ta mà theo truyền thông miêu tả lại là “một bộ mặt máu lạnh” để nói đến tình trạng mất hết tính người khi chứng kiến sự việc đau lòng mà không một chút day dứt. Thế nhưng đâu chỉ có mỗi người thanh niên kia, cả 18 người kia đều mắc một chứng bệnh vô cảm trước sự đau thương của đồng loại. Và đây chính là điều mà những ai xem lại cảnh tượng thương tâm trên đều lên án. 

Truyền thông cũng đã tìm đến 18 người thờ ơ bỏ mặc đứa bé để hỏi, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời đáng sợ, lạnh sống lưng. Người lái chiếc xe tải thứ hai cán qua người bé Duyệt Duyệt nói rằng: “Nếu nó chết, tôi có thể chỉ phải bồi thường 20.000 nhân dân tệ (2.000 USD). Nhưng nếu nó bị thương có khi tôi phải mất hàng trăm ngàn tệ”. Còn người đàn ông lái chiếc xe tay ga qua đường nhìn thấy đứa trẻ nhưng thờ ơ bỏ đi  nói với phóng viên với nụ cười khó chịu trên mặt rằng: “Nó không phải cháu tôi. Sao tôi phải quan tâm?”.

Sự kiện này đã làm dấy lên sự phẫn nộ không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.  

Trung Quốc từng xảy ra những sự việc tương tự. Hôm 23/6 ít nhất 4 người tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã mang cả ghế ra ngồi để theo dõi một người đàn ông chuẩn bị tự tử. Tuy nhiên, những "khán giả" này không được nhìn thấy cảnh tượng mà có lẽ họ đang đợi. Sau khoảng ba giờ, nhân viên cứu hộ đã giải cứu thành công người đàn ông có ý định nhảy từ tầng thượng tòa nhà 11 tầng do tranh cãi với vợ.

Tại Thẩm Dương năm 2015 đám đông cũng huýt sáo và thúc giục một phụ nữ bán khỏa thân nhảy từ tầng 10. Năm 2014, một nhóm học sinh ở tỉnh Thiểm Tây cũng cổ vũ một phụ nữ vỡ nợ nhảy lầu.

Đọc thêm