Đó là một số giải pháp mà các đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Y tế cơ sở làm nền tảng trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân” do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức tại TP Đà Nẵng mới đây.
Báo cáo về thực trạng tổ chức mạng lưới và cung ứng dịch vụ YTCS, Hội Y học dự phòng Việt Nam cho biết, theo số liệu thu thập của Bộ Y tế và Nhóm đối tác y tế năm 2015, mạng lưới YTCS đã bao phủ rộng khắp cả nước.
Cụ thể, 460/693 huyện/quận đã có mô hình chia tách riêng bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm y tế (TTYT) huyện, trong đó TTYT huyện chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng và quản lý trực tiếp trạm y tế xã. 233/693 TTYT huyện ở 19 tỉnh, thành phố thực hiện 2 chức năng y tế dự phòng và khám chữa bệnh.
Trên toàn quốc, có 99% xã, phường, thị trấn đã có nhà trạm: Trong đó, 78% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 96% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 78% thôn bản, tổ dân phố trong cả nước đã có nhân viên y tế hoạt động; 95,9% số thôn, bản ở khu vực nông thôn, miền núi.
Về nhân lực, nhân lực tuyến YTCS đã tăng 44%. Giai đoạn 2010-2013, nhân lực YTCS tiếp tục tăng thêm 16%. Từ năm 2013, Việt Nam đã thực hiện dự án 585 “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn” đã góp công giải quyết vấn đề thiếu nhân lực ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa…
Để đẩy mạnh phát triển mạng lưới YTCS cả nước, các đề án, nghị quyết đã được đề ra. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% TTYT huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện...
Đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khoẻ ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã...
Chia sẻ thực trạng của YTCS địa phương mình, BS. Đặng Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, cho biết hiện nay nhiệm vụ của YTCS quá nhiều, phạm vi rộng trong khi nhân lực lại ít, trình độ hạn chế, các cán bộ phải kiêm nhiệm quá nhiều việc nên chất lượng khám chữa bệnh thấp.
Mặt khác, cơ chế quản lý còn khá bất cập, trạm y tế xã không phải đơn vị tài chính độc lập nên hoàn toàn thụ động trong việc quản lý nhân lực, tài sản, tài chính; cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu không đáp ứng được chất lượng hoạt động...
Từ đó, BS. Minh đề xuất Bộ nên nghiên cứu mô hình trạm y tế xã theo hướng là đơn vị độc lập để chủ động trong hoạt động chuyên môn và tài chính. Nghiên cứu rút gọn hơn về nhiệm vụ của trạm y tế xã, không nên quá nặng về khám chữa bệnh tại trạm.
Chia sẻ giải pháp về nguồn nhân lực, đại diện Đà Nẵng cho rằng các tỉnh thành nên có chính sách ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt trong thu hút, tuyển dụng để khuyến khích cán bộ y tế làm việc lâu dài ở YTCS. Có chương trình đào tạo phù hợp dành cho cán bộ y tế làm việc ở YTCS, tăng cường đào tạo cán bộ y tế là người địa phương, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ bác sĩ gia đình cho trạm y tế xã để triển khai có hiệu quả chăm sóc và quản lý sức khoẻ người dân tại nhà, tại cộng đồng.
Còn BS. Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Cà Mau thì góp ý nên tập trung đào tạo chuyên sâu hệ y tế dự phòng, cần phải có các chuyên ngành như: Dịch tễ, bệnh nghề nghiệp, sức khoẻ cộng đồng, y tế trường học... Đối với đặc thù địa phương, mong muốn Bộ sẽ quan tâm nhiều hơn đối với y tế khóm, ấp, có thể đưa vào biên chế hoạt động của hệ thống y tế, đẩy mạnh đào tạo nhân lực cũng như quan tâm kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của y tế khóm, ấp.