Bị đe dọa vì… từ chối đúng luật
Vừa qua, báo chí đồng loạt đăng tải một vụ việc hy hữu gây chấn động dư luận xuất phát từ một yêu cầu chứng thực của dân. Theo thông tin ban đầu, chiều 25/9, Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1987, ngụ phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM) đến UBND quận Tân Phú để chứng thực giấy tờ.
Tuy nhiên, khi cán bộ thông báo bản chính của Trường không rõ, không thể chứng thực được thì Trường cho rằng cán bộ làm khó mình nên đã gọi điện cho Nguyễn Ngọc Thông (sinh năm 1971, ngụ phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) đến hỗ trợ. Tại UBND quận, sau khi nghe Trường trình bày sự việc, Thông bất ngờ rút trong người ra khẩu súng hăm dọa cán bộ UBND quận khiến nhiều người dân và cán bộ, nhân viên hoảng loạn bỏ chạy. Hai đối tượng sau đó đã bị lực lượng Công an khống chế, tạm giữ để điều tra làm rõ theo thẩm quyền.
Đây là một vụ việc hy hữu vì tính chất nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, với các cán bộ chứng thực tại UBND cấp xã, phường và cấp quận thì việc từ chối chứng thực lại là chuyện…thường ngày. Theo quy định tại Nghị định 79/CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì người thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính không được thực hiện chứng thực khi bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo; bản chính đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung; bản chính không được phép phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; đơn, thư và các giấy tờ do cá nhân tự lập không có chứng nhận, chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; các giấy tờ, văn bản khác mà pháp luật quy định không được sao.
Quy định như vậy nhưng thực tế việc xác định bản chính nào không được sao đối với cán bộ cơ sở là cả một vấn đề nan giải. Chủ tịch UBND xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội Phùng Trần Anh phản ánh, có trường hợp công dân đến chứng thực nhưng bản chính quá mờ. Cá biệt có trường hợp bản chính là bản giả, cán bộ tư pháp làm công tác chứng thực đã phát hiện được do biết rõ công dân đó không đi học nhưng lại có bằng đại học nên từ chối không làm.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh, không phải trường hợp nào cán bộ cũng phát hiện được bởi văn bằng chứng chỉ giả ngày càng được thực hiện một cách tinh vi, không dễ dàng nhận ra, nhiều trường hợp phải thông qua công tác giám định mới biết.
Tổng kết công tác chứng thực trên địa bàn TP.Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thanh Cao cũng cho biết: Vẫn xảy ra tình trạng công dân mang các văn bằng, chứng chỉ giả mạo, các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ có sửa chữa, tẩy xóa hoặc không phải là bản chính đến thực hiện việc chứng thực. Khi được cán bộ giải thích, từ chối thực hiện chứng thực thì tỏ thái độ không hợp tác, cố tình không hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến công tác chứng thực.
Kỹ năng phát hiện văn bản giả: không phải ai cũng có
Trước đây, khi việc chứng thực bản chính các loại giấy tờ (văn bằng, chứng chỉ, chứng minh nhân dân, học bạ, hộ khẩu…) còn thuộc thẩm quyển của các Phòng Công chứng thì việc xác định những văn bản nào là giả đã là cả một thử thách lớn đối với công chứng viên.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, nguyên Trưởng phòng Công chứng số 1 tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc phát hiện văn bằng chứng chỉ giả chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và linh cảm là chính. Còn trên thực tế không có một tiêu chí hay chuẩn mực nào để phát hiện các giấy tờ này, trong khi với công nghệ hiện đại như hiện nay, giấy tờ giả ngày càng được làm một cách tinh vi, khó phát hiện. Đối với Công chứng viên là những người có trình độ, dày dạn kinh nghiệm việc phát hiện này còn khó, huống hồ hiện nay đội ngũ làm chứng thực ở nhiều nơi trình độ rất hạn chế và kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi họ đang phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau.
Đối với giấy tờ bị mờ, nhòe, việc từ chối xem ra có vẻ dễ dàng hơn, nhưng giới hạn đâu là việc được chứng thực và đâu là giấy tờ không được chứng thực cũng còn gây nhiều tranh cãi, và đáng tiếc có những vụ nghiêm trọng xảy ra như đã dẫn ở đầu bài viết.
Chủ tịch UBND xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội Phùng Trần Anh đề xuất, ngành Tư pháp tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, tập huấn về kỹ năng chứng thực cho đội ngũ làm công tác chứng thực để họ biết và nắm được các kỹ năng, đặc biệt kỹ năng nhận biết giấy tờ giả để tránh những sai sót có thể xảy ra.
Nhiều cán bộ tư pháp khác cũng đề nghị cơ quan tư pháp cấp trên cần tăng cường công tác hướng dẫn về chuyên môn, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, có hướng dẫn kịp thời khi phát hiện những văn bằng, chứng chỉ bị làm giả hoặc cấp sai thẩm quyền. Bên cạnh đó, các cơ quan thực hiện chứng thực cần trang bị thêm máy móc hỗ trợ để phát hiện các loại giấy tờ giả.