“Chúng tôi rất buồn vì bị hiểu lầm”
"Tôi không hiểu vì sao lại có phép tính lợi nhuận từ chương trình Bò giống cho người nghèo biên giới” ông Đỗ Minh Phương, Tổng giám đốc Viettel Telecom nói, đồng thời chia sẻ bản thân ông cũng như lãnh đạo Tập đoàn Viettel cảm thấy buồn vì bị hiểu nhầm “đổi bò – lấy sim” vì lợi nhuận trong khi đây là một chương trình từ thiện xã hội xuất phát từ truyền thống "kinh doanh vì cộng đồng" của doanh nghiệp quân đội này.
Trước đó, như PLVN đã phản ảnh, ngày 24/6/2014 trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, 7 cơ quan, đơn vị cùng nhất trí ký vào Kế hoạch liên tịch “Bò giống giúp người nghèo biên giới” với mục tiêu từ năm 2014-2016 Ban Chỉ đạo chương trình sẽ huy động đóng góp, ủng hộ bằng tiền hoặc tự nguyện sử dụng các dịch vụ viễn thông của các nhà hảo tâm để mua 24.000 con bò cái sinh sản trao tặng các gia đình thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn quốc gia ở 11 tỉnh biên giới: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Yên Bái.
“Viettel không có quyền và cũng không thể ép bất kỳ ai mua sim vì chúng tôi chỉ là một trong 7 thành viên tham gia vào chương trình. Chúng tôi thực chất là cầu nối giữa nhà hảo tâm ở khắp mọi nơi với người nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình. Theo đó, mỗi khách hàng tự nguyện cam kết sử dụng dịch vụ viễn thông tối thiểu 100.000đồng/tháng trong vòng 3 năm, Viettel sẽ hỗ trợ chương trình 1 triệu đồng, số tiền này được sử dụng để mua bò tặng cho các hộ nghèo. Viettel ứng tiền trước, ngay khi khách hàng kích hoạt dịch vụ, khách hàng được sử dụng 100.000 đồng mình bỏ ra còn Viettel ứng trước tiền góp vào quỹ để mua bò. Cứ 15 khách hàng tham gia là Viettel chuyển vào quỹ đủ kinh phí để mua một con bò trị giá 15 triệu đồng tặng hộ nghèo. Người nhận bò sẽ có đủ tên, số điện thoại của 15 người đã tự nguyện mua sim để tặng bò cho mình, còn những nhà hảo tâm cũng có số điện thoại của người nhận. Khi trao bò, Viettel còn tặng điện thoại cho người nhận bò để họ có thể trao đổi, cảm ơn các nhà hảo tâm và các nhà hảo tâm cũng có thể “kiểm tra chéo” số tiền mình ủng hộ đã được trao đúng đối tượng hay chưa”, ông Phương cho biết.
Ông Đỗ Minh Phương -TGĐ Viettel Telecom |
Giải thích về thông tin “Viettel có thể thu lợi hàng chục triệu trên mỗi con bò tặng người nghèo biên giới vì giá mua mỗi con là 15 triệu, còn doanh thu từ sim di động lên tới 54 triệu”, ông Phương chia sẻ bản thân ông và lãnh đạo Tập đoàn Viettel bất ngờ trước “suy luận” này và rất suy nghĩ bởi: “Chúng tôi không hiểu vì sao có phép tính lợi nhuận như vậy. Nếu các khách hàng mua sim sử dụng đúng như cam kết trong vòng tối thiểu 3 năm, Viettel mới thu được 54 triệu đồng doanh thu và theo tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu hiện nay (tỷ lệ sau này sẽ thấp hơn) thì mức lãi có được chỉ khoảng 8-10 triệu đồng. Như vậy, kể cả khi người dùng không bỏ giữa chừng thì tổng mức lợi nhuận thu được cũng không đủ mua bò, chưa kể việc Viettel phải ứng tiền trước và chịu lãi suất ngân hàng trong 3 năm. Ngoài ra, nếu nhiều khách hàng bỏ sim giữa chừng thì mức chênh lệch còn cao hơn nữa”.
Theo tính toán sơ bộ của Ban chỉ đạo, để có 24.000 con bò giống sinh sản tặng người nghèo quỹ này phải có tương đương 360 tỷ đồng. Viettel sẽ phải ứng trước số tiền này để mua bò tặng bà con theo đúng tiến độ. Ông Phương cho biết Viettel tham gia chương trình vì muốn ủng hộ người nghèo và góp phần bảo vệ tổ quốc, nên không tính toán đến lợi nhuận, lỗ lãi. Cho dù kết quả của chương trình như thế nào, Viettel vẫn tham gia chương trình như đã cam kết với Ban Chỉ đạo, nếu quỹ bò không đủ Viettel sẽ dùng các nguồn khác để thực hiện đúng cam kết với Ban Chỉ đạo.
Ai cũng có thể thành nhà hảo tâm
Trước thông tin một số tỉnh đặt các mục tiêu phấn đấu hoặc chỉ tiêu cho các sở, ban, ngành dẫn đến dư luận “ép” phải sử dụng sim Viettel mới tặng bò cho người nghèo, ông Đỗ Minh Phương cho biết Viettel cũng bất ngờ trước những thông tin này. “Việc có tỉnh đặt chỉ tiêu có thể do nôn nóng muốn có bò giống sớm để trao cho người nghèo trước mùa đông dẫn đến sự hiểu nhầm của công luận, chứ chương trình là tự nguyện, không có chỉ tiêu hay ép buộc. Viettel đã gửi góp ý tới Ban chỉ đạo và một số tỉnh có dư luận để trao đổi lại về vấn đề này, tránh hiểu nhầm không đáng có”, ông Phương nói.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PLVN, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) một trong bảy quan chức cùng đặt bút ký vào bản Kế hoạch liên tịch ngày 24/6/2014 triển khai chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” nhận xét: đây là một chương trình hết sức nhân văn và hoàn toàn mang tính tự nguyện vì người nghèo. Bà Liên cũng cho rằng thông tin giao chỉ tiêu mua sim có thể có lỗi trong khâu tuyên tuyền, vận động nên dư luận, người dân hiểu lầm là bắt buộc phải sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Viettel thì người nghèo mới có bò giống.
Đồng quan điểm này, bà Trương Thị Ngọc Ánh, tân Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN khoá VIII ngày 8/9 khi trao đổi với phóng viên Pháp luật Việt Nam cũng nhận định:“Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Ninh là đơn vị được giao chủ trì thực hiện cuộc vận động người dân tự nguyện hoà mạng, sử dụng sản phẩm của Viettel nên có thể đã có sự nóng vội, muốn có nhiều người tham gia mua để có ngay nguồn quỹ tặng bò cho bà con nên khi thực hiện công tác vận động có thể có điểm chưa chuẩn dẫn tới câu chuyện bị hiểu sai vấn đề”.
"Cứ dùng một chiếc sim Viettel của chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới” là bạn đã đóng góp 1 triệu đồng để mua bò giống tặng hộ nghèo" |