Từ đó chúng ta có thể thấy, công tác cán bộ là cái gốc của công tác đảng, vì cán bộ tốt hay xấu một phần quan trọng phụ thuộc vào công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta những tư tưởng quý báu về đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ.
Bác Hồ thăm một đơn vị quân đội chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi (1969). Ảnh tư liệu |
Xây dựng đội ngũ cán bộ là một nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó vấn đề đánh giá cán bộ giữ vị trí quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định một chân lý: Sau khi xác định đường lối cách mạng đúng đắn, cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành công của cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Người cho rằng, đánh giá cán bộ là điểm khởi đầu, làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng đúng cán bộ. Do đó, muốn dùng cán bộ, trước hết “phải biết rõ cán bộ”. Người cho rằng “trong thế giới, cái gì cũng biến hoá”; con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội khách quan, “tầng lớp xã hội khác nhau, trình độ văn hoá khác nhau, tính tình cá nhân cũng không giống hệt”, do đó “không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay”.
Do vậy, đánh giá cán bộ là việc xác định đúng ai tốt, ai xấu, mặt nào mạnh, mặt nào yếu, khả năng công tác của họ thế nào để từ đó mà bố trí, sử dụng cho đúng người, đúng việc.
Cán bộ là con người, vì vậy khi đánh giá cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt trong mối quan hệ toàn diện, nhiều chiều, phát triển và không định kiến: “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ, đúng với đường lối của Đảng”;
“Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, mỗi lần nhận xét, đánh giá là một lần giúp cán bộ nhìn lại quá trình công tác của mình, thấy rõ ưu điểm để phát huy và kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm: “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến, thế là không biết yêu dấu cán bộ”.
Làm thế nào đánh giá đúng cán bộ?
Đánh giá đúng cán bộ để Đảng có kế hoạch huấn luyện cán bộ vì “cán bộ là tiền vốn của Đảng’’, do vậy việc đánh giá cán bộ trước hết thuộc về Đảng. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá cán bộ vào những lúc cách mạng có sự chuyển giai đoạn, Người chỉ rõ có trường hợp trong kháng chiến thì chiến đấu anh dũng, nhưng khi sống trong cuộc sống thành thị thì lại mất lập trường và sa vào con đường tội lỗi. Người cảnh báo cán bộ rằng bom đạn địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường”, vì nó hại mình mà mình không nhìn thấy nó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người cán bộ tốt phải là người có đủ đức và tài. Người chỉ rõ: “Đức” là đạo đức cách mạng, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; “tài” là người có khả năng hành động, làm việc mang lại hiệu quả cao. Đức và tài phải thống nhất với nhau, trong đó đức là gốc, “cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Để đánh giá đúng cán bộ, đòi hỏi người đánh giá phải công tâm, vô tư, khách quan. Do đó, bản thân người đánh giá cũng phải “tự sửa mình’’. “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn với các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình”, vì “nếu không biết sự phải trái ở mình thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu’’. Đó là tinh thần tự kiểm điểm phê bình của cá nhân người cán bộ; sau đó được tập thể cấp ủy và đơn vị góp ý kiến xây dựng theo tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng. Đánh giá cán bộ phải dựa vào dân, lấy ý kiến của dân, đem ra tập thể bàn bạc và đi đến thống nhất.
“Nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ. Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, không tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt’’.
Bố trí và sử dụng đúng cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ có đánh giá đúng cán bộ mới có cơ sở để bố trí, sử dụng cán bộ đúng vào những công việc và vị trí phù hợp. Từ cơ sở lý luận đến thực tiễn cho thấy, việc đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng.
Người chỉ ra 3 “chứng bệnh” có thể gặp phải khi bố trí cán bộ. Đó là: “1- Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2- Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực. 3- Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Vì những “bệnh” đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì “bới lông tìm vết” để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”.
Trong bố trí và sử dụng cán bộ, Người nhấn mạnh mục đích “cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ”. Bởi vì, bất kỳ việc bố trí, sử dụng một cán bộ nào cũng đều nhằm phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho một yêu cầu nào đó. Như vậy, việc sử dụng cán bộ mới có ý nghĩa. Cũng với yêu cầu này mà công tác đánh giá cán bộ sẽ được thực hiện tốt.
Chẳng hạn như muốn đề bạt, bổ nhiệm hoặc luân chuyển cán bộ thì phải thực hiện việc đầu tiên là lên kế hoạch, đánh giá, nhận xét về một cán bộ có những mặt mạnh, mặt yếu nào. “Muốn cán bộ làm được việc, phải khiến họ yên tâm làm việc”. “Trước khi trao công tác, cần bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ”.
Từ đó mới sắp xếp, luân chuyển vào vị trí công tác phù hợp. Nhất là ở những cương vị chủ chốt phải lãnh đạo, quản lý những lĩnh vực yêu cầu chuyên môn, sở trường thì nhất thiết phải nắm, hiểu được khả năng chuyên môn của cán bộ đó đến mức độ nào để có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở: “Cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.
Khi giao công việc thì “đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”, “phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến” mới có thể phát triển tài năng của họ”. “Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí”.
“Biết người cố nhiên là khó”, vì vậy việc đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ là cả một khoa học và nghệ thuật. Trong cách mạng và kháng chiến chống ngoại xâm, do làm tốt công tác cán bộ, Đảng ta có được đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực tổ chức thực tiễn ngang tầm nhiệm vụ.
Cán bộ và nhân dân ta phải chịu đựng nhiều khó khăn, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, nhưng với lòng quyết tâm đã vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu gian khổ, làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đến nay, thời thế cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới - hoà bình và phát triển, đòi hỏi người cán bộ phải có ý chí, nghị lực và tinh thần mới, đấu tranh với kẻ thù nghèo nàn, lạc hậu. Yêu cầu đối với người cán bộ thời đại mới là phải có tinh thần đoàn kết, phải có một nghị lực mới, phát huy bản chất của người cộng sản - có bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị cám dỗ trước những tiêu cực, không ngại vượt qua khó khăn, thử thách, rèn đức, luyện tài, tu dưỡng bản thân theo tinh thần “đạo đức cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy./.