Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về những vấn đề đề nghị Quốc hội (QH) trưng cầu ý dân, đa số ý kiến đề nghị chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để QH quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Một số ý kiến khác đề nghị cần phải quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân nhưng quy định theo cách: trong những vấn đề đó thì tùy thuộc QH xem xét có thể đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân.
Tại phiên họp, đa số các đại biểu ủng hộ Phương án 1, theo đó, quy định những vấn đề đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của QH.
Về phạm vi trưng cầu ý dân, Dự thảo Luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc (Điều 7). Nhưng một số đại biểu cho rằng một số vấn đề chỉ cần tiến hành ở phạm vi địa phương để đảm bảo tính khả thi và tránh tốn kém.
Song, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, việc trưng cầu dân ý đối với một số vấn đề nếu chỉ lấy ở một địa phương thì nhân dân ở đó chưa chắc đã đồng tình, ví dụ như dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì nhân dân ở Ninh Thuận chưa chắc đã tán thành. Vì đây là vấn đề lớn, liên quan đến quyền, lợi ích của quốc gia thì phải lấy ý kiến của nhân dân trên cả nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, các vấn đề liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ quốc gia không thể đưa ra trưng cầu dân ý. Ông Phước cho rằng, việc đưa ra bỏ phiếu, biểu quyết để trao vùng lãnh thổ này cho quốc gia khác là không thể chấp nhận được.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Ủy ban soạn thảo làm rõ sự khác biệt giữa việc lấy ý kiến nhân dân với trưng cầu ý dân để thấy được sự cần thiết của việc ban hành Luật.
Theo ông Hiển, Dự thảo Luật cần làm rõ việc xin ý kiến nhân dân chỉ là để tham khảo, còn trưng cầu là việc làm quan trọng, có ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng trong vấn đề được đưa ra trưng cầu. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị nêu rõ có những vấn đề trưng cầu không được thông qua thì có được tổ chức lại không hay chỉ tổ chức một lần. Nếu được thì khoảng cách thời gian giữa 2 lần trưng cầu là bao lâu cũng như vai trò, trách nhiệm của báo chí trong việc đưa tin.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, theo Hiến pháp, tất cả các vấn đề đều do QH ban hành nên cần phân biệt vấn đề nào, cấp độ nào thì trưng cầu ý dân. Theo Chủ tịch QH, có 2 loại việc QH có thể xin ý kiến của nhân dân: Một là, vấn đề thuộc thẩm quyền của QH nhưng QH thấy rằng việc này dứt khoát phải xin ý kiến của dân, để dân quyết định, QH không quyết định; hai là, việc mà QH thấy rằng thuộc thẩm quyền của QH nhưng QH thấy rằng cần xin ý kiến của dân rồi căn cứ vào ý dân để quyết định.
Việc trưng cầu này, theo Chủ tịch QH, cho thấy QH tôn trọng quyền của dân bầu lên hơn 500 đại biểu. “Nếu đã trưng cầu ý dân thì ý kiến của nhân dân là ý kiến quyết định” – Chủ tịch QH nêu rõ.
Quốc hội cần thảo luận, xem xét kỹ lưỡng Điều 60 Luật BHXH năm 2014:
Theo Điều 60 Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), khi người lao động vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc thì tạm thời chưa giải quyết BHXH một lần mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già. Tuy nhiên, khi Luật vẫn chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động ngừng việc để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định này.
Tại phiên họp diễn ra ngày 12/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là vấn đề rất thận trọng nên đưa ra QH thảo luận để QH cân nhắc quyết định. “Đề nghị cho đưa ra QH bàn, nếu QH bảo sửa thì phải sửa” - ông Hiển bày tỏ. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước đề nghị “QH phải lắng nghe chuyện này và có thái độ như thế nào để dân thấy QH có trách nhiệm với dân”. Tán thành quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng “QH không nên né tránh, tránh để dân nghĩ này khác”.
Bày tỏ quan điểm chắc chắn phải sửa và cần có lộ trình sửa luật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đề xuất QH ban hành Nghị quyết tạm dừng Khoản a Điều 60 và Khoản a Điều 77.
Cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định QH sẵn sàng sửa luật nhưng hiện QH chưa nhận được đề xuất sửa đổi. Tuy nhiên, Chủ tịch QH cho rằng, những sự việc xảy ra trong thời gian qua là do công tác tổ chức, tuyên truyền phổ biến pháp luật không tốt nên khi có động chạm đến lợi ích trước mắt là người dân có phản ứng. Các báo cáo đều cho rằng luật tốt, đúng quan điểm, chủ trương của Đảng nên từ nay tới ngày thực hiện cần tổ chức vận động, tuyên truyền cho tốt.