Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến phương châm 10 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Trong đó, “kỷ cương” được Thủ tướng đưa lên hàng đầu cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ cũng như tầm quan trọng của “kỷ cương” trong việc xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân.
Một bộ phận làm “rầu” bộ máy
Trong bài viết “Bàn về một số vấn đề về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay” (đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp tháng 1/2016), tác giả Phạm Thị Hương nhận định, “Công vụ là một loại hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước, nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nhằm mục tiêu phục vụ người dân và xã hội.
Trách nhiệm công vụ là việc cán bộ, công chức tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó. Một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả đều dựa trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm với tinh thần tận tụy, mẫn cán và làm tròn bổn phận của cán bộ, công chức”.
Thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức luôn được coi là vấn đề ưu tiên. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, nguyên nhân khiến tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi xuất phát từ “ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp…”.
Những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ đội ngũ công bộc của dân làm giảm hiệu quả công cuộc phòng, chống tham nhũng, gia tăng khiếu nại, tố cáo và suy giảm hiệu lực của bộ máy, nền công vụ.
Ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cho biết, trong nhiều nguyên nhân khiến người dân tìm đến Ban Tiếp công dân TƯ thì nguyên nhân chính là chính quyền địa phương không thực hiện tốt chức trách và nhiệm vụ của mình, không trực tiếp đối thoại với dân, đặc biệt là người đứng đầu. Bên cạnh đó, không giải quyết kịp thời các vấn đề của người dân khiến người dân bức xúc.
Theo PAPI 2017 vừa được UNDP công bố tại Hà Nội, tỷ lệ người được gặp và làm việc với cán bộ chính quyền khi có bức xúc, khúc mắc năm 2017 là 17% tăng từ 14% năm 2016. Tỉ lệ người đã đệ đơn khiếu nại hài lòng với kết quả phúc đáp của chính quyền: 53% năm 2017 so với 45% năm 2016. Tỉ lệ cho biết có sự tồn tại của Ban Thanh tra Nhân dân ở cơ sở: 39% năm 2017 so với 34% năm 2016
Tuy nhiên, 81% những người đã gặp cán bộ, công chức xã/phường cho biết cuộc gặp mang lại kết quả tốt năm 2017, giảm so với 83% năm 2016. Tỉ lệ những người đã tố cáo cán bộ chính quyền hài lòng với kết quả giải quyết thư tố cáo: 33% năm 2017 so với 68% năm 2016. Tỉ lệ người hài lòng với giải quyết khiếu nại tập thể của chính quyền địa phương: 41% ở cả hai năm 2016 và 2017.
Như vậy, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo “không ngừng – thể hiện sự “bất tín nhiệm” của người dân đối với bộ máy, cán bộ, công chức là do một số nơi chính quyền cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là chính quyền cấp xã phường và chính quyền cấp quận, huyện và thị xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, một số chính quyền cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết từ gốc - nơi phát sinh khiếu nại, tố cáo, có nhiều vụ việc giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, theo PGS.TS.Ngô THành Cang (Học viện Hành chính quốc gia), nhiều vụ việc kéo dài không được giải quyết, nhiều địa phương, bộ ngành “ỉ lại”, trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên, không giải quyết kịp thời những bức xúc.
Nâng cao trách nhiệm công vụ để phục vụ dân tốt hơn
Theo quyết định, tổ công tác về kiểm tra công vụ có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ tại các Bộ, ngành, địa phương. Đây sẽ là những thông tin thực tiễn, kịp thời để chấn chỉnh giải quyết ngay những tồn tại trong đội ngũ cán bộ, công chức, bộ máy nhà nước, không để “ấp ủ” thành nguyên nhân phát sinh nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, theo tác giả Phạm Thị Hương, để nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như thống nhất nhận thức về tính cấp thiết của việc nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Theo đó, phải xác định rõ vấn đề cốt lõi của cải cách hành chính là nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức. Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của từng vị trí việc làm và chức danh cán bộ, công chức. Đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước và công tác quản lý cán bộ, công chức. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức; hoàn thiện cơ chế giám sát của người dân, tổ chức đối với hoạt động của cán bộ, công chức. Cải cách hệ thống chính sách tiền lương, tiền thưởng và đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với đội ngũ cán bộ, công chức.
Tại Đại hội XII của Đảng, một trong những hạn chế, yếu kém được chỉ rõ là "kỷ cương, kỷ luật trong quản lý Nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém", vì vậy, kỳ vọng tinh thần hành động quyết liệt của Chính phủ được thể hiện qua Tổ công tác về kiểm tra công vụ lần này sẽ siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, khôi phục niềm tin của nhân dân với bộ máy chính quyền. Vì vậy, việc Thủ tướng thành lập tổ kiểm tra kỷ luật công vụ lần này được kỳ vọng là biện pháp để “quản lý tốt hơn đội ngũ cán bộ” vì “cán bộ tốt mới có bộ máy hiệu quả, người dân mới được phục vụ tốt hơn”.
“Việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm vừa rồi của một số cán bộ cần làm tổng thể. Trong đó, có khâu luân chuyển, vì chính luân chuyển có hiện tượng tiêu cực, đẩy người không cùng cánh với mình đi luân chuyển, hay hiện tượng chạy luân chuyển về các địa phương, lĩnh vực có lợi ích. Cho nên thông qua thực hiện Quy định 98 của Bộ Chính trị là bước quan trọng để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là những cán bộ trẻ, đồng thời khắc phục tiêu cực” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết thêm. Đáng chú ý, trong số cán bộ vi phạm này có người còn rất trẻ, đầy tiềm năng và được kỳ vọng như ông Nguyễn Xuân Anh. Vì vậy, khi những kết luận về hàng loạt sai phạm của vị lãnh đạo này được công bố thì không ít người ngỡ ngàng, hụt hẫng và thấy đáng tiếc. Do vậy, cần có sự nghiêm túc trong đánh giá, nhìn nhận về công tác cán bộ.
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Tổ chức Trung ương nêu ví dụ, ngay như trường hợp quy hoạch của ông Trịnh Xuân Thanh. Ban đầu ông Thanh không nằm trong quy hoạch Thứ trưởng, tuy nhiên, việc hàng năm rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lại thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ cấp ủy, đối với cấp Bộ là Ban cán sự Đảng nên đây là một thiếu sót. Do vậy, bài học về công tác cán bộ là việc lựa chọn đầu vào. Theo đó, lựa chọn phải trên nhiều ứng viên đối với một vị trí, tiêu chuẩn phải rõ ràng, cách thức tuyển chọn phải thực sự dân chủ, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự giám sát của các tổ chức Đảng và phải được làm thường xuyên.
Ông Nguyễn Đức Hà nêu rõ: “Bây giờ quy định rất rõ về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình nên sẽ không có chuyện chạy luân chuyển. Như vậy, từng bước, từng bước chúng ta sẽ đổi mới công tác cán bộ, khắc phục được những hạn chế, bất cập lâu nay còn xảy ra. Dù đào tạo, bồi dưỡng, hay luân chuyển thì mục đích cuối cùng là chọn được đúng cán bộ có phẩm chất, có năng lực và giao nhiệm vụ đúng với phẩm chất năng lực đó”.
Không ai mong muốn danh sách những tên tuổi của cán bộ, đảng viên vi phạm trong mỗi kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương dài thêm. Nhưng không vì bệnh thành tích, nể nang mà nương nhẹ hay bỏ qua những sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Dẫu có buồn, có đau xót cũng phải thẳng thắn, dũng cảm, công tâm nhìn vào sự thật, thậm chí chấp nhận tổn thương để loại bỏ những cán bộ không còn xứng đáng có lẽ vẫn là mong mỏi của nhiều người dân. Bên cạnh sự nghiêm minh, minh bạch trong việc xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên thì công tác cán bộ cần được đánh giá và khắc phục một cách tổng thể, có như vậy mới củng cố lòng tin của người dân đối với bộ máy cán bộ của Đảng và Nhà nước.