Cán bộ Tư pháp lĩnh án oan trong vụ “cò” Hoa?

(PLO) - Bị đuổi việc, vướng “oan sai”, nhà cháy, chồng đánh đập, Sen và ba đứa con rồi sẽ ra sao? Không bị “cò” Hoa lừa, nhưng bị cáo Sen lại trở thành nạn nhân gây thắc mắc nhất của vụ án “cò” Hoa.  
Sau phiên tòa sơ thẩm ngày 3/4 xét xử “cò” Hoa và đồng bọn,  61 hộ dân bị hại tiếp tục làm đơn kháng cáo. Một sự kiện bất ngờ là các bị hại cùng một tâm nguyện viết đơn kêu oan giúp bị cáo Bùi Thị Hồng Sen (SN 1980, ngụ thôn Phước Trạch 2, xã Ea Phê, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk), bị Tòa tuyên án sáu năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. 
“Lính” tập sự bị tù nặng hơn “sếp”
Kết thúc phiên sơ thẩm, bị cáo Sen đã ngất xỉu ngã quỵ trước cửa tòa, phải đưa đi viện cấp cứu. Sau khi điều trị tỉnh dậy, bị cáo được về lại gia đình trong thời gian chờ bản án có hiệu lực. Cố gắng bình tĩnh tâm sự với phóng viên, khuôn mặt Sen vẫn tái nhợt: 
“Từ ngày công an gọi lên điều tra vụ lừa đảo, tôi đã không định hình được là mình phạm tội gì. Cho đến bây giờ cũng vậy. Những lời trình bày của tôi đều không được ghi nhận, cán bộ công an và viện kiểm sát chỉ nói “án tại hồ sơ”. Vì vậy khi nghe Tòa tuyên án sáu năm tù, tôi thấy mọi thứ đều tối sầm trước mắt và ngất lịm đi”.
Theo lời bày tỏ, bị cáo về làm việc tại UBND xã Hòa Thắng từ tháng 8/2008 và chỉ làm việc ở đây trong vòng 12 tháng với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Trong khoảng thời gian này, Sen chỉ là nhân viên hợp đồng, lần lượt ký các hợp đồng lao động một tháng, ba tháng và hai lần sáu tháng. 
Nhưng sau khi ký hợp đồng sáu tháng lần hai, Sen làm được hơn một tháng thì nghỉ vì “vỡ kế hoạch” có thai đứa con thứ ba. Sau thời gian nghỉ sinh bốn tháng, Sen quay lại làm việc nhưng bị UBND xã Hòa Thắng đơn phương chấm dứt hợp đồng. Như vậy, cộng dồn các tháng làm việc theo hợp đồng của bị cáo tại ủy ban xã là 12 tháng.
Bị cáo trình bày tiếp trong nước mắt: Trong thời gian đó không hề được cấp trên bàn giao rõ một mảng nào để phụ trách, chỉ là nhân viên tập sự được cấp trên sai gì làm nấy. Chủ yếu người sai việc Sen là bị cáo Nguyễn Công An (52 tuổi, nguyên cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng, Tòa sơ thẩm xử năm năm tù, ít hơn mức án dành cho Sen một năm). 
Thời điểm cán bộ hộ tịch xã xét duyệt các hồ sơ vay vốn của người dân, Sen cũng chỉ là người được An sai việc vào sổ sách các bộ hồ sơ, sau đó ký nháy bên cạnh. Cô nhân viên đã tuân thủ “lệnh sếp” vì hồ sơ đã được An xét duyệt trước, chỉ trao lại để vào sổ lưu trữ và mang đi xin dấu của Chủ tịch UBND xã. Có nhiều hồ sơ đã được làm từ năm 2006. 
Bị đuổi việc còn vướng “oan sai”
Nước mắt không ngừng rơi, bị cáo Sen kêu mình bị “oan sai” khi sau đó cán bộ điều tra triệu tập và bảo cô chính là người ký duyệt tham mưu cho những hộ gia đình làm hồ sơ vay vốn. Bị cáo khai mình không đủ thẩm quyền, chỉ nhận sai ở điểm không xem xét kỹ các hồ sơ để có kiến nghị, nhất nhất làm theo kiểu “cấp trên bảo gì nghe nấy” vì muốn giữ vị trí công việc.
Khi bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Sen đã hai lần làm đơn đề nghị xem xét lại, vì bị cáo chỉ là nhân viên hợp đồng, không hề tham mưu hay ký duyệt một bản hồ sơ nào. Những chữ ký trong các hồ sơ chỉ là chữ ký nháy do cấp trên chỉ đạo. Tuy nhiên, những lời trình bày đó đều bị cơ quan chức năng bác bỏ. 
 Sen ngất xỉu sau khi tòa tuyên án
Bị cáo còn cho biết: Cán bộ điều tra nắm được tâm lý Sen đang nuôi ba con nhỏ, sợ bị bắt giam nên thường lấy việc bắt nhốt để dọa. Bị cáo mới sinh con, sức khỏe không được tốt nhưng lần nào cũng được gọi lên làm việc vào buổi chiều. 
Khi đến gần chiều tối, biết Sen muốn xong việc để kịp về đón con, cán bộ điều tra lại đưa ra một biên bản đã ghi sẵn bắt ký vào. Bị cáo chấp nhận ký để ra về, nhưng kèm theo ghi rõ vào biên bản là không đồng ý với buộc tội của cán bộ điều tra. Tuy nhiên, những biên bản này không được Tòa đề cập đến. 
Trong khi đó, có những vấn đề liên quan đến quá trình làm việc của Sen tại UBND xã chưa được các cơ quan chức năng làm rõ như: Tại sao bị cáo bị UBND xã đuổi việc ngay khi kết thúc đợt nghỉ thai sản? Việc ủy ban xã buộc bị cáo ký kết trái luật liên tục bốn hợp đồng lao động có thời hạn một tháng, ba tháng, sáu tháng thì xử lý như thế nào?
Mẹ đi tù, ba con sống ra sao?
Về hoàn cảnh gia đình, Sen tâm sự: Người cha là thương binh tham gia kháng chiến chống Mỹ hạng 4/4, hiện bị bệnh tim rất nặng. Mẹ làm nông thuần túy, sức khỏe yếu nên thu nhập cực kỳ bấp bênh. Sen là con thứ hai trong số tám anh chị em và là người duy nhất học lên đến đại học. Ngày bị cáo trúng tuyển Đại học Luật TP.HCM, cả gia đình và họ hàng vui sướng, tự hào, không ngờ sau đó lại lâm vào cảnh tù tội như thế này. Bao ngày qua, bố mẹ vì con mà lao tâm khổ tứ, lại thương con đến mất ăn, mất ngủ.
Cũng năm 2000 trúng tuyển đại học, Sen gặp người chồng hiện tại và lỡ có thai nên phải bảo lưu kết quả học tập để lấy chồng, sinh con. Vì vậy tới năm 2008 bị cáo mới tốt nghiệp đại học, ra trường xin vào làm việc tại UBND xã Hòa Thắng, ngày ngày vừa phải chạy xe máy đi về từ thị trấn Phước An lên UBND xã, vừa phải chăm sóc, đưa đón các con.
Hoàn cảnh hôn nhân cũng không được êm xuôi. Từ khi đứa con đầu lòng ra đời, chồng Sen đã không góp tiền nuôi con. Một mình người mẹ trẻ vừa tự xoay xở kiếm tiền, vừa xin hỗ trợ từ bố mẹ đẻ để lo liệu trong những lúc sinh nở. Người chồng không một lời thăm hỏi còn thường xuyên vòi vĩnh tiền, vợ không đưa là đánh. Bỏ bê gia đình đi dài ngày, người chồng lại cặp bồ với nhiều người ở nhiều nơi khác nhau. Ngoài ba con chung với chị, anh ta còn công khai giới thiệu con riêng với phụ nữ khác vào năm 2008. 
Sen bị điều tra, bị ra tòa, còn bị chồng xua đuổi: “Mày đi tù đi cho tao được thoải mái”. Cũng trong thời gian bấn loạn vì “oan sai”, một lần bị cáo vội vàng đi làm đã quên tắt cây đèn cầy khiến căn nhà nhỏ của hai vợ chồng bị thiêu rụi. Sen một nách ba con, bồng bế nhau về nhà bố mẹ đẻ nương nhờ. Vợ đã lâm vào cảnh cùng quẫn còn bị chồng thường xuyên đánh đập. 
Trước phiên xử sơ thẩm khoảng 3 tuần, Sen bị chồng hành hạ ngay trong bữa cơm, lấy chén đang ăn dở đập vào mặt, túm tóc, đập đầu vào tường. Người vợ không còn sức chống đỡ ngã lăn ra đất lại bị chồng lấy chân liên tục đạp vào mặt và ngực. Lý do vì chồng đòi tiền nhưng Sen không có một đồng nào để đưa. 
Bị cáo ngậm đắng nuốt cay chấp nhận một mình xoay xở nuôi ba con nhỏ, nào tiền ăn học, nào tiền sữa, tiền thuốc men khi ốm đau… Nhưng việc làm cũng bị gián đoạn vì liên tục bị gọi đi điều tra. Bị cáo phải tranh thủ ngày đi kêu oan, đêm về đi làm công cho công ty mít sấy và cắt lát nghệ tươi ở các xưởng thu mua nghệ kiếm tiền nuôi con.
Gìờ Sen bị án sáu năm tù, cả ba đứa con, một đứa tám tuổi, đứa sáu tuổi và đứa nhỏ nhất ba tuổi sẽ sống như thế nào? Biết trông cậy vào đâu khi người bố vốn không thèm đoái hoài?
Những bị hại trong vụ án lừa đảo do “cò” Hoa gây ra đều đồng lòng làm đơn xin hủy án cho bị cáo Sen. Người dân chỉ làm việc giao dịch với “cò” Hoa và một số cán bộ khác như Nguyễn Công An (nguyên cán bộ tư pháp xã Hòa Thắng, cấp trên của Sen) và Đoàn Thị Thu An (48 tuổi, nguyên thủ quỹ Agribank Tân Lợi). Họ nói không bị Sen lừa.
Nhưng Tòa vẫn tuyên án sáu năm tù cho cô nhân viên tập sự đã bị ủy ban xã đuổi việc. Nhiều bị hại đứng về phía bị cáo Sen còn lo lắng cô không đủ sức khỏe để chống chọi được với bản án. “Nếu mức án vẫn giữ nguyên như vậy, Sen sẽ ngã quỵ mà chết mất. Oan cho Sen, tội nghiệp cho những đứa con”, một người thương xót./.

Đọc thêm