Bắc Ninh được biết đến là thủ phủ của làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại miền Bắc. Hiện toàn tỉnh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê, đúc nhôm chì Văn Môn, sản xuất sắt thép tái chế Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, làm bún Khắc Niệm...
Khó trăm bề khi thị trường "đóng băng"
Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đã góp phần quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, vận chuyển, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm.
Điển hình như tại làng nghề đúc đồng Quảng Bố (Quảng Phú, Lương Tài), tại thời kỳ cao điểm, làng nghề có hơn 80 doanh nghiệp, hợp tác xã và 75% số hộ trong thôn sản xuất. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay do tác động của dịch COVID- 19, làng nghề gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, khâu sản xuất bị cắt giảm 50% - 70%.
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, 100% cơ sở đóng cửa ảnh hưởng đến lợi nhuận và có nguy cơ thua lỗ, phá sản. Đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã đều sử dụng vốn vay ngân hàng, nên khi cắt giảm hay tạm dừng hoạt động thì vẫn phải gánh chịu các chi phí về lãi vay cùng nhiều khoản chi phí khác.
Tương tự, tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn), thời điểm trước dịch, hơn 80% sản phẩm làm ra xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, dẫn đến thị trường xuất khẩu gỗ mỹ nghệ gần như bị “đóng băng”.
Ông Dương Đức Sinh, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn) chia sẻ: “Thời điểm này hầu hết các cơ sở sản xuất chủ yếu hoàn thiện những đơn hàng đã ký trước đó, nhiều đơn hàng cũng bị hủy bỏ, những doanh nghiệp sản xuất có thương hiệu, uy tín nay cũng chỉ hoạt động duy trì”.
Để các làng nghề sớm phục hồi sản xuất cần có sự chung tay, giúp sức của các cấp, các ngành. |
Tại các làng nghề đúc đồng Đai Bái, tre trúc Xuân Lai, gốm Phù Lãng, giấy Phú Lâm… cũng ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất ở đây đang phải giảm công suất từ 40 - 70%, thậm chí tạm dừng hoạt động hoặc chuyển ngành nghề, bởi nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt, sản phẩm làm ra bị ứ đọng.
Ông Nguyễn Quang Điệp, Giám đốc Công ty TNHH đúc đồng Quang Gia ở làng nghề Đại Bái (Gia Bình) cho biết: “Đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, hầu hết các cơ sở phải đóng cửa nên ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, chúng tôi phải duy trì sản xuất trong trạng thái cầm chừng, sản phẩm làm ra tiêu thụ rất chậm, nên phải trực tiếp đi chào hàng ở các tỉnh, thành; giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội”.
Không những thế, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề trên địa bàn tỉnh đều sử dụng vốn vay ngân hàng, nên khi cắt giảm hay tạm dừng hoạt động thì vẫn phải gánh chịu các chi phí về lãi vay cùng nhiều khoản chi phí khác.
Nỗ lực tìm hướng đi mới để vượt khó mùa dịch
Để khắc phục những khó khăn từ dịch bệnh, nhiều làng nghề đã cố gắng tìm hướng đi mới, để duy trì và giữ nghề. Một số làng nghề đã chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh và bán hàng phù hợp với tình hình thực tế như: Sản xuất các sản phẩm thông dụng phục vụ thị trường nội địa thay vì các mặt hàng truyền thống, xuất khẩu; đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; thay đổi cách tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm từ hình thức trực tiếp sang online. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc mua sắm của người dân cũng như khâu vận chuyển sản phẩm vẫn là những rào cản lớn nhất cho các doanh nghiệp làng nghề.
Bên cạnh đó, hiện hầu hết các doanh nghiệp phải cắt giảm công suất, nên khi dịch bệnh được kiểm soát, để phục hồi sản xuất các doanh nghiệp cần có nguồn vốn đầu tư. Mặc dù Chính phủ đã có gói hỗ trợ với doanh nghiệp, nhưng đối với các doanh nghiệp làng nghề thì chưa biết có tiếp cận được nguồn vốn này hay không.
Hiện các ngân hàng trên địa bàn đang triển khai nhiều hình thức hỗ trợ vay vốn cho các hộ gia đình sản xuất làng nghề. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp làng nghề vừa duy trì sản xuất nhưng cũng vừa phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh, do đó cũng gặp nhiều hạn chế trong giao dịch, mua bán sản phẩm, hàng hóa với các đối tác vùng dịch…
Mặc dù các doanh nghiệp làng nghề đang nỗ lực không ngừng để duy trì và sớm phục hồi sản xuất sau dịch, tuy nhiên để các làng nghề hoạt động ổn định trong thời điểm hiện tại vẫn cần có sự chung tay, giúp sức của các cấp, các ngành.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"