Cần cách hiểu thống nhất trong xử lý tài sản thi hành án

(PLO) - Bên cạnh những thuận lợi và kết quả tích cực đạt được, khi thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 các cơ quan THADS trên địa bàn TP Hà Nội còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định trong việc kê biên tài sản, việc thanh toán tiền thi hành án, xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản để thi hành án.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong số các việc thi hành án phải kê biên, bán đấu giá tài sản, ngoài các việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu còn có những việc thi hành án không thuộc loại án tín dụng, ngân hàng nhưng tài sản của người phải thi hành án lại vừa đang thế chấp, bảo đảm cho khoản nợ của ngân hàng, tổ chức tín dụng và vừa thuộc nợ xấu.

Một số vụ việc thi hành án, ngân hàng, tổ chức tín dụng áp dụng quy định tại Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14, không đồng ý cho cơ quan thi hành án và chấp hành viên thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản, kể cả trường hợp giá trị tài sản lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Như vậy, trong trường hợp này, cơ sở áp dụng là Điều 90 Luật THADS năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và theo quy định này thì vẫn đảm bảo cho quyền lợi hợp pháp của người nhận cầm cố, thế chấp tài sản. Tuy nhiên, khi áp dụng Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14, trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng không đồng ý, cơ quan thi hành án sẽ rất khó khăn, không được kê biên tài sản và trường hợp này, việc thi hành án cũng khó có thể đưa vào loại việc chưa có điều kiện thi hành án.

Ngoài ra, cơ quan THADS còn gặp vướng mắc trong việc thanh toán tiền thi hành án, xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản để thi hành án dẫn đến tài sản đã kê biên, xử lý xong, đã bán đấu giá thành, đã giao tài sản cho người mua nhưng chưa phân chia, thanh toán xong tiền thi hành án dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng. 

Trước đây, thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và hướng dẫn tại Công văn số 1099/TCTHADS-NV1 ngày 11/4/2016 của Tổng cục THADS, khi xử lý tài sản của bên thứ ba để thi hành án, đối với khoản tiền thu được từ việc bán, xử lý tài sản, khi thực hiện thanh toán, cơ quan thi hành án ưu tiên thanh toán án phí, kể cả án phí thuộc nghĩa vụ của người phải thi hành án.

Kể từ thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành, tại Điều 12 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”.

Thực tế vẫn còn nhiều cơ quan THADS và chấp hành viên gặp vướng mắc do có các quan điểm, cách hiểu khác nhau khi áp dụng các quy định nêu trên trong trường hợp khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của bên thứ ba là người bảo lãnh có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế.

Để khắc phục thực trạng trên, đối với vụ việc người phải thi hành án có tài sản nhưng tài sản đang đảm bảo cho khoản nợ xấu, chấp hành viên cần xác minh, xác định rõ về quyền sở hữu tài sản, thời điểm đương sự, chủ sở hữu tài sản thực hiện việc thế chấp tài sản, đánh giá về giá trị tài sản.

Đối với các trường hợp vướng mắc về ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản của bên thứ ba bảo lãnh, sau khi ưu tiên thanh toán hết các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án và thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng mà vẫn còn dư tiền, chấp hành viên cần chủ động vận động, thuyết phục, giải thích người thứ ba bảo lãnh có tài sản bị xử lý. Nếu họ đồng ý cho khấu trừ thì thực hiện khấu trừ án phí vào số tiền còn dư, nếu không đồng ý thì không được thực hiện việc khấu trừ án phí. 

Đọc thêm