Cán cân công lý ở nước ngoài

(PLO) -Thẩm phán là một nghề rất đặc biệt trong ngành tư pháp. Để có thể xử lý, xét xử và phán quyết vụ việc thật sự công minh theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của tiêu chí "cán cân của pháp luật", những người này chỉ được dựa vào luật pháp hiện hành và lương tâm nghề nghiệp của mình. Luật pháp trong mọi nhà nước pháp quyền cho phép và buộc họ phải như thế. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Nhưng trên thực tế ở nhiều nước, trong cái luật lại có cái lệ khiến không ít thẩm phán dẫu có muốn cũng không thể hoàn toàn tuân thủ quy định trên của luật. Ở nước Đức là một trong những ví dụ điển hình. Theo số liệu thống kê chính thức, ở nước Đức hiện có khoảng 25.000 thẩm phán và 2000 công tố viên, so với nhu cầu xét xử cần đáp ứng thì quá ít chứ không phải ít.

Vì thế nên ở nơi này tồn tại tình trạng tồn đọng các vụ việc cần được xét xử trước tòa. Tính trung bình, một tòa án cấp huyện hiện tồn đọng khoảng 400 vụ việc chờ được xử lý. Từ đó mới nảy sinh áp lực công việc đối với các vị thẩm phán. 

Để cầm cân nảy mực công minh và nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật và lương tâm nghề nghiệp, vị thẩm phán cần có thời gian để xử lý vụ việc trước khi đem vụ việc ra xét xử. Hay nói theo cách khác, chỉ khi nào không phải chịu áp lực thời gian thì vị thẩm phán mới có thể xử lý được vụ việc theo đúng trách nhiệm trước pháp luật và lương tâm của chính mình. Nhưng thẩm phán trong thực chất cũng là công chức nhà nước, cũng là con người với khát vọng thăng tiến trên con đường công danh sự nghiệp, cũng có nhu cầu được tăng lương và lên chức.

Tiêu chí để đánh giá thành tích công tác của thẩm phán là số lượng vụ việc đã được xử lý. Càng xử lý được nhiều vụ việc thì cơ hội thăng tiến càng lớn. Cấp tòa nào để tồn đọng càng nhiều vụ việc chưa xử lý thì tai tiếng càng nhiều và uy danh càng giảm. Vì thế, các cấp tòa đều thúc ép thẩm phán ở đó xử lý vụ việc càng nhiều càng tốt, càng nhanh chóng càng hay. Ở những nơi đó ngay lập tức hình thành cuộc chạy đua thành tích về số lượng.

Những thẩm phán tận tụy với công việc nhưng trung thành với trách nhiệm trước pháp luật và lương tâm nghề nghiệp của mình thường không thể xử lý vụ việc như trong một dây chuyền sản xuất công nghiệp. Cái lệ này buộc họ phải coi trọng số lượng mà sao nhãng chất lượng nếu như không muốn gặp khó khăn, trắc trở trong công việc, ở tòa án và trong quá trình thăng tiến về nghề nghiệp, thậm chí nếu như không muốn bị để cho ngồi chơi xơi nước, thuyên chuyển làm công việc khác hoặc bị sa thải.

Vị thẩm phán dẫu có muốn làm việc chuyên môn độc lập, tức là không phải chịu bất cứ hình thức hay mức độ áp lực nào từ bên ngoài, do cái lệ này cũng không có thể độc lập được nữa.

Cái lệ này hình thành và thịnh hành bởi các tòa án không có đủ số lượng thẩm phán cần thiết. Tòa án không có đủ thẩm phán không phải hoàn toàn bởi không đào tạo ra đủ thẩm phán cho các tòa, không phải bởi nghề làm thẩm phán không cao quý và hấp dẫn mà bởi nhà nước không cho các tòa án đủ biên chế thẩm phán cần thiết do không có đủ khả năng tài chính để duy trì đông thẩm phán đến thế. Cũng vì lý do này mà sự tồn tại của cái lệ nói trên được coi là hợp pháp và giải pháp thích hợp cho vấn đề khó khăn này của các cấp xét xử. 

Lệ tồn tại ở trong luật và bào mòn tinh thần cũng như tiêu chí đánh giá của luật mà không bị coi là vi phạm luật. Cho nên xử sai và xử oan không thể tránh khỏi. Cho nên mới chỉ có luật pháp đúng đắn thôi chưa thể đủ để công lý được đảm bảo và tòa án thực sự là cán cân của công lý. Quá trình và quy trình lập pháp phức tạp và cần nhiều thời gian trong khi sự hình thành ra lệ lại rất dễ dàng, thậm chí còn cả đến mức như thể là đương nhiên..

Đọc thêm